Cách đây vài ngày, nhiều nơi ở TPHCM ngập nặng do triều cường đạt đỉnh, dâng cao cả mét. Nhiều người ở quận 7 thức trắng đêm ngăn nước, di chuyển đồ đạc lên cao, nhưng cũng đành bất lực. Nhiều gia đình phải di chuyển khỏi nhà, thuê khách sạn ngủ để hôm sau còn đi học, đi làm.
Đáng lưu ý là tại khu vực quận 7 có dự án giải quyết ngập do triều cường, xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Dự án có vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, nhận được sự kỳ vọng lớn lao của lãnh đạo các cấp, sự trông đợi của người dân. Thế nhưng, dự án được khởi công năm 2016, đến nay đã trễ hạn hơn 6 năm so với kế hoạch nhưng chỉ hoàn thành khoảng 90% khối lượng. Thế nên, người dân vẫn tiếp tục xoay xở và “tự chống ngập”.
Vì sao một dự án nhận được sự đồng tình, hưởng ứng từ các ngành, các cấp và sự mong chờ của đông đảo người dân, nhưng vẫn chậm tiến độ? Trong dự án này, UBND TPHCM không ít lần phải gửi công văn, kiến nghị Trung ương hỗ trợ gỡ vướng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ, như đầu tháng 10-2024, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tham gia gỡ vướng bằng cách có ý kiến cụ thể về giải pháp, cơ sở pháp lý và thẩm quyền giải quyết như UBND TPHCM đề xuất... Nhưng mỗi lần gặp vướng mắc đều tốn thời gian chờ tháo gỡ kéo dài, đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án.
Không chỉ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng kể trên, nhiều công trình, dự án khác ở nhiều nơi trên cả nước tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước nhưng chậm trễ phát huy hiệu quả, thậm chí để hoang hóa trong nhiều năm gây lãng phí rất lớn, vừa bị Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra cụ thể tại buổi thảo luận tổ Đại biểu Quốc hội 12 vào chiều 26-10. Nêu ra các dẫn chứng, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh, tình trạng lãng phí vẫn đang phổ biến, đặt vấn đề về những quy định “tự làm khó mình” và đề nghị khắc phục, tránh phạm phải “tội lãng phí”.
Ở nhiều dự án, quá trình triển khai, không ít người dân đã trông đợi, kỳ vọng về ngày dự án hoàn thành, để rồi thất vọng, xót xa và bức xúc về sự chậm trễ, lãng phí qua nhiều tháng, nhiều năm. Và, lãng phí kéo dài gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, niềm tin của người dân đã bị lãng phí, nhiệt huyết của nhà đầu tư bị bào mòn.
Đáng lo ngại, sau thất vọng là thái độ thờ ơ, vô cảm, xem những chuyện bất thường (về lãng phí) là bình thường! Điều đó đòi hỏi cần phải xem chống lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách.
Trước tiên, để chống lãng phí hiệu quả thì nhất thiết phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng những quy định cụ thể nhằm xử lý triệt để các hành vi lãng phí trong quản lý tài sản công, ngân sách. Những điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật cũng phải đi đôi với việc tăng cường biện pháp thực thi, giám sát nghiêm ngặt và xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra lãng phí.
Mặt khác, mọi hành động gây ra lãng phí, từ chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính đến quản lý nguồn tài sản công kém hiệu quả, đều phải được xử lý bằng những chế tài cụ thể. Để tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ”, cũng cần có hệ thống pháp luật chặt chẽ và thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đảm bảo mọi nguồn lực đều được sử dụng đúng mục đích và không để lãng phí xảy ra.
Việc thực hiện tiết kiệm trong công tác quản lý tài chính, tài sản công phải trở thành một chuẩn mực bắt buộc trong mọi hoạt động công vụ. Các tổ chức, đơn vị, cấp lãnh đạo và đội ngũ cán bộ đều phải chủ động tham gia tích cực phòng chống lãng phí. Sự nêu gương trong bộ máy chính quyền không những tạo lòng tin đối với người dân, mà sẽ còn lan tỏa tinh thần tiết kiệm, ý thức trách nhiệm rộng khắp trong các cấp, ngành và toàn xã hội. Khi ấy, sự bất thường sẽ không bao giờ thành bình thường!
Ý thức tiết kiệm ở mỗi cá nhân, dù là những hành động nhỏ như tiết kiệm điện, nước, thực phẩm… nhưng nếu được lan tỏa trong toàn xã hội sẽ mang lại kết quả khác biệt to lớn. Đặc biệt là mọi người sẽ nhận thấy ý nghĩa hành động tiết kiệm ấy là có đóng góp hết sức thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển bền vững.