Thêm trường hợp của chị Lê Thị Hậu, chúng ta lại biết thêm một người nghèo đã thể hiện lòng tốt tuyệt vời của mình khi trả lại tài sản cho người đánh rơi, dù họ đang phải chật vật lao động kiếm sống và số tiền họ kiếm được hàng ngày khá nhỏ so với tài sản họ nhặt được.
Điều đó cho thấy, nghèo túng không hẳn là lý do để người ta hành xử sai trái, mà chính là tư cách, nhân phẩm, hay sâu xa hơn là nền tảng văn hóa, nền tảng giáo dục của bản thân, mới quyết định hành động của họ. Hay ở chiều ngược lại, có không ít cá nhân có học vấn cao, có địa vị xã hội, có điều kiện vật chất tốt… nhưng đã bị phát hiện có những hành xử bạo lực, tham lam, vị kỷ, tội lỗi.
Và trong phần lớn các vụ việc, nhiều người hay lên án hành vi sai trái nhưng lại ít cổ vũ, khích lệ, ủng hộ hành động đúng đắn. Phải chăng nhiều người trong chúng ta dễ dàng nghĩ đến và phê phán các lỗi lầm của người khác, như là cách gián tiếp thể hiện sự trong sạch, đứng đắn của mình, mà ít biểu dương đến các hành động cao đẹp của ai đó, bởi tự mình đã biết sẽ khó hoặc không thể thực hiện được như họ?
Điều thứ hai cũng có ý nghĩa không kém, đó là sự kịp thời và mức khen thưởng có tính chất khích lệ cao của UBND tỉnh Đồng Nai: tặng bằng khen cho chị Hậu kèm tiền thưởng 6.950.000 đồng (được cho là xấp xỉ với tài sản mà chị đã trả lại). Chị Hậu trả lại tài sản cho người làm mất hẳn không bao giờ nghĩ đến việc được đền ơn, được tuyên dương, được khen thưởng.
Hẳn chị làm điều đó vì thấy đó là việc nên làm, đáng làm, phải làm. Nhưng chính quyền tỉnh Đồng Nai đã làm được một việc mà ít có địa phương làm là khen và thưởng một cách xứng đáng. Bởi trong nhiều trường hợp, người làm việc tốt ít khi được nhận một sự tưởng thưởng phù hợp, có khi chỉ là các lời khen suông, có khi được tuyên dương rộng rãi nhưng ít được tặng thưởng xứng đáng, cá biệt có trường hợp được cộng đồng xã hội ủng hộ vật chất nhưng lại thiếu sự biểu dương chính thức…
Còn trong vụ việc này, gần như đã có được nhiều điều trong đó, nhưng lại thiếu sự lan tỏa rộng rãi của cộng đồng xã hội. Đó là một điều đáng tiếc.
Trên thực tế, các nghĩa cử trong đời sống xã hội có rất nhiều, diễn ra thường xuyên nhưng không phải trường hợp nào cũng được nhiều người biết đến, cũng được truyền thông loan tin rộng rãi, cũng được chính quyền địa phương biểu dương và khen thưởng kịp thời.
Có thể vì thế mà các nghĩa cử diễn ra lặng lẽ, mức độ lan tỏa và tác động đến nhiều người khác trở nên khá khiêm tốn. Nếu cứ để điều đó lặp lại, e rằng đến lúc nào đó các nghĩa cử (dù vẫn cứ diễn ra) nhưng sẽ trở nên xa lạ với nhiều người, bởi ít được nhắc đến, ít được ca ngợi, ít được tưởng thưởng xứng đáng.
Trong vấn đề này, vai trò của chính quyền các cấp là rất quan trọng. Với các nghĩa cử cao đẹp, cần có nhiều cách biểu dương, khích lệ, để cái tốt, cái đẹp được nhiều người biết đến, được nhiều người học tập, chia sẻ, không chỉ thúc đẩy bản thân người đã làm nghĩa cử tiếp tục giữ được phẩm cách đó, mà còn tác động để nhiều người khác học tập.
Chính quyền các cấp cần mạnh dạn có phần thưởng hoặc vận động các nhà tài trợ thực hiện việc tặng thưởng. Các cơ quan truyền thông cũng nên quan tâm nhiều hơn đến các gương người tốt việc tốt, cần tô đậm các phẩm chất tốt đẹp để khích lệ nhiều người khác làm theo. Báo chí cần “tạo trend” để mạng xã hội chia sẻ, nhắc đến các nghĩa cử, thay vì chỉ tập trung đến các vụ việc tiêu cực trong đời sống.
Dĩ nhiên, người ta làm việc tốt không nhằm được tưởng thưởng, nhưng nếu được tưởng thưởng thì họ sẽ thấy hành động của mình được ghi nhận và sẽ thấy rằng mình cần tiếp tục làm điều đó. Nếu người tốt chỉ nhận được sự thờ ơ của xã hội thì hẳn mất nhiều động lực để tiếp tục làm việc tốt. Khi đó, hiệu ứng với những người khác sẽ giảm nhiều!