Hàng loạt dự án, trong đó có rất nhiều dự án BĐS du lịch bị đình trệ tại nhiều địa phương, đang rất cần sự vào cuộc tháo gỡ của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh (ảnh).
* PHÓNG VIÊN: Xin Thứ trưởng cho biết, nguyên do nào khiến thị trường BĐS năm 2022 lại có nhiều diễn biến bất lợi như vậy?
* Thứ trưởng NGUYỄN VĂN SINH: Trong thời gian qua, thị trường BĐS Việt Nam đã phát triển nhanh, tác động đến nhiều ngành nghề và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thị trường này gần đây có một số dấu hiệu phát triển không ổn định.
Về nguồn cung, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm. Nguồn cung dự án nhà ở thương mại trong năm 2022 chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2021. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm BĐS đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường, loại nhà ở thương mại cao cấp nhiều, còn nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân lại ít (nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân). Giá nhà ở mức cao, người dân khó tiếp cận.
Đặc biệt, trong thời gian ngắn, doanh nghiệp cùng lúc gặp khó khăn về nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và các nguồn huy động khác. Nhiều doanh nghiệp phải dừng thực hiện dự án, nhiều nhà thầu cho công nhân nghỉ việc… Cùng với đó là nhiều dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, vào thị trường…
* Một số doanh nghiệp BĐS cho rằng, quy định pháp luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khiến các dự án BĐS nói chung và dự án BĐS du lịch nói riêng gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý. Quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này như thế nào?
* Thời gian vừa qua, tổ công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS của Chính phủ đã làm việc với các doanh nghiệp, địa phương như TPHCM, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng, TP Cần Thơ và một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS. Qua làm việc, chúng tôi nhận thấy nổi lên một số vấn đề vướng mắc như thể chế, một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS, đất đai, đầu tư… còn bất cập, thiếu cụ thể, cản trở trong triển khai thực hiện dự án BĐS.
Những khó khăn được phản ánh nhiều nhất liên quan đến tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị phức tạp, kéo dài, chậm thực hiện ở các địa phương; khan hiếm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp do khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu. Các khó khăn này dẫn đến nguồn cung BĐS và việc triển khai các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều hạn chế.
Khu du lịch sinh thái, biệt thự Thị Nại Eco Bay (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đến nay vẫn dang dở. Ảnh: NGỌC OAI |
* Hiện cả nước vẫn còn hàng trăm dự án BĐS đang gặp vướng mắc, nếu không sớm được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ dần trở nên kiệt quệ và gây nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?
* Trong quá trình làm việc, tổ công tác của Chính phủ đã trao đổi, hướng dẫn trực tiếp các quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương. Các nội dung chưa thể trao đổi, hướng dẫn trực tiếp, tổ công tác đã cho rà soát, tổng hợp để giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ các bộ ngành liên quan.
Đặc biệt, tổ công tác có văn bản gửi các địa phương để đôn đốc, yêu cầu địa phương khẩn trương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương mà doanh nghiệp báo cáo, kiến nghị. Phải thừa nhận một thực tế là, khi thị trường BĐS tốt, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện cùng lúc nhiều dự án nhưng không cân bằng nguồn lực.
Do đó, các doanh nghiệp cần phải rà soát lại, cơ cấu sản phẩm và dự án BĐS, thậm chí chuyển nhượng bớt dự án để tập trung nguồn lực cho các dự án đang triển khai. Về lâu dài, các doanh nghiệp vay vốn phải thực hiện đúng cho dự án, tránh dùng vốn này sử dụng cho dự án khác làm mất cân bằng tài chính.
* Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn liên quan trái phiếu doanh nghiệp BĐS, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có một loạt giải pháp liên quan tín dụng BĐS… Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ làm gì để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường này?
* Các bộ ngành liên quan sẽ tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các địa phương sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển ổn định, lành mạnh.
Riêng với Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và sớm hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5-2023, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2023 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.