Ngày 1-10, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã thẩm tra tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020.
Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, kết quả giám sát cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHYT vẫn còn một số tồn tại đã nhiều năm, đặc biệt là những quy định về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa… chưa hoàn thiện, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khám chữa bệnh BHYT và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Trong chỉ đạo, điều hành, Ủy ban Xã hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, thể hiện qua việc nhiều hợp phần chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Có 7/10 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt được, trong đó đáng lưu ý là tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt kết quả là 90,85%, trước thời hạn 4 năm và số người tham gia BHYT đạt 88,1 triệu người (90,3%)…
Tuy nhiên vẫn còn 3 chỉ tiêu, mục tiêu chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68/2013/QH13 (đầu tư cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế).
Việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội mới chỉ thực hiện được một phần mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Thảo luận tại phiên họp, thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự lưu ý, tỷ lệ tham gia BHYT tăng nhưng chưa bền vững, số đối tượng ở nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng giảm do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế cũng như từ dịch Covid-19; các nhóm đối tượng tham gia BHYT chưa đồng đều, nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Hiện còn khoảng gần 10% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, chủ yếu rơi vào nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và một phần của nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhưng chưa có biện pháp và giải pháp cụ thể, nhất là khi người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Về công tác triển khai khám chữa bệnh BHYT, một số đại biểu nhận định, cũng như năm 2019, tỷ lệ chi khám chữa bệnh BHYT ở các tuyến vẫn còn mất cân đối. Tỷ lệ lượt khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã vẫn thấp (17%).
Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh BHYT tại một số tỉnh còn thiếu đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được bảo mật dữ liệu, vẫn xảy ra tình trạng thông tin của người có thẻ BHYT trên phần mềm không khớp với thẻ BHYT, chậm cập nhật việc gia hạn thẻ BHYT cho đối tượng tham gia BHYT tự nguyện gây khó khăn cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh…
Đặc biệt, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn còn diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ do nhiều nguyên nhân. Đồng thời, việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT được làm chặt chẽ tạo nên hiệu ứng bất lợi khi mà bác sĩ phải “cân não trong kê đơn thuốc”, kê thêm môt số bệnh để đơn thuốc kê cho bệnh nhân không bị vượt quá giới hạn, “chăm sóc bệnh án thay vì chăm sóc người bệnh” hoặc hạn chế kê thuốc BHYT cho bệnh nhân để không bị xuất toán, vô hình trung ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 31-12-2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch. Trong đó, ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng. Tổng số chi NSNN đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 43.638,5 tỷ đồng, bằng 41% tổng số thu tiền đóng BHYT. |