Không thể phủ nhận một thực tế, hiện nay có nhiều người trẻ từ nông thôn đổ xô về các thành phố lớn để lập nghiệp và một bộ phận trong số đó tìm đường sang nước ngoài với hy vọng kiếm được tiền, bất chấp tương lai mù mịt phía trước.
Áp lực kiếm tiền
Dù gia đình chỉ có Nguyễn Hoàng Khang (26 tuổi, lao động tự do, quê Hậu Giang, tạm trú tại huyện Dĩ An, Bình Dương) và đứa em trai đang tuổi ăn học, nhưng công việc của ba mẹ không ổn định, cùng người bà lớn tuổi đang bệnh, khiến cho áp lực kiếm tiền đè nặng trên vai Khang. Có khi vừa phụ hồ công trình, đêm đến, Khang nhận luôn một chân bốc vác cho tiểu thương ngoài chợ để kiếm thêm tiền.
“Làm ngày, làm đêm cũng cực lắm, nhưng sức còn trẻ nên ráng thôi. Hồi tháng trước, đứa bạn làm chung kể có mối giới thiệu qua Đài Loan làm việc, lương cao lắm, rủ tôi đi chung nhưng tôi từ chối. Mình còn gia đình nữa, ra nước ngoài cũng không biết trước được gì, thôi cứ cố cày như hiện tại, kiếm thêm đồng nào thì gom góp gửi về quê. Tháng nào dành dụm được nhiều, có khi gửi về quê được 5 triệu đồng phụ ba mẹ lo cho đứa em và bà ngoại”, Khang chia sẻ.
Nói về câu chuyện đau lòng xôn xao dư luận mấy ngày qua, Khang thở dài: “Tôi có đọc tin tức trên mạng nên cũng có biết tin này, nghe mà xót xa”.
Trong nhóm bạn cùng phòng trọ với Khang, vài người rục rịch sang Đài Loan tìm việc cũng chùn lòng. Lê Văn Anh (25 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết: “Tháng trước ngồi nhậu chung, mấy đứa bạn nghe đâu có người quen giới thiệu qua Đài Loan làm công nhân, cũng không rõ là làm gì nhưng lương cao. Hai, ba đứa cũng đang tính chuyện đi, nhưng sau vụ này không biết tụi nó tính sao”.
Tiếp lời, Văn Quang (27 tuổi, quê Hậu Giang) kể: “Đứa nào dưới quê lên cũng không học hành tới đâu, không làm công nhân thì phụ hồ đi theo mấy công trình, bốc vác, chạy xe ôm. Có đứa bạn phụ hồ chung, cữ chiều vừa làm xong là ra chạy xe ôm tới gần nửa đêm mới về, để dành đóng tiền nhà trọ, ăn uống; còn lương phụ hồ thì gom góp gửi về quê cho vợ nuôi 2 đứa con, rồi lo cho ông bà già nữa. Nên nghe có mối dắt qua nước ngoài kiếm lương cao hơn là tụi nó tính chuyện đi liền, chứ ở đây cày ngày, cày đêm kiểu vậy thì cũng khác gì làm bán mạng đâu”.
Giữ chân lao động trẻ
Chọn thực tập và làm việc 11 tháng ở nông trại nghệ tây tại Israel, Nguyễn Mạnh Tiến (24 tuổi, quê Nghệ An) chia sẻ: “Tôi chọn chương trình thực tập ở nước ngoài vì qua tìm hiểu, tôi rất thích mô hình nông trại của họ và muốn học hỏi. Hết 11 tháng, tôi có thể xin ở lại làm việc tiếp và sẽ được trả lương cao hơn lúc thực tập. Nhưng cơ hội kiếm tiền tốt như nào đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn là nhà, là quê hương, phải về với quê hương mình chứ”.
Sau khi về nước, Tiến cùng nhóm bạn dùng số vốn tích lũy được trong quá trình thực tập, bắt tay kinh doanh sản phẩm nông sản sạch và tiến hành xây dựng mô hình nông trại nhỏ vừa sản xuất, vừa phục vụ du lịch trải nghiệm.
Hiện tại, các dự án đã đi vào hoạt động và mang lại lợi nhuận, Tiến cho biết: “Không thể nói đi nước ngoài làm việc sẽ tốt hơn, hay làm việc ở thành phố sẽ tốt hơn ở quê. Vì bản thân tôi học về nông nghiệp, nên khởi nghiệp từ nông sản ở quê nhà là hướng đi phù hợp. Còn việc tìm kiếm cơ hội ở thành phố lớn hay xa hơn là ra nước ngoài thì cần phải tìm hiểu kỹ, đặc biệt là người hỗ trợ, hay chương trình nào tài trợ bạn ra nước ngoài phải là nơi uy tín. Đừng vì mức lương hấp dẫn mà đánh cược cả tương lai”.
Hiện tại, thông qua các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, số tiền lời có được, Tiến cùng nhóm bạn tổ chức một quỹ để hỗ trợ các bạn trẻ nếu có nguyện vọng sang Israel thực tập.
“Tiền lợi nhuận chia lại một ít cho anh em, còn lại sẽ để làm quỹ học bổng hỗ trợ. Tụi mình sẽ tuyển sinh viên đi thực tập như tuyển nhân sự trong công ty và xét duyệt dựa trên một số tiêu chí như: có tự lập ngay từ thời sinh viên hay không; các kỹ năng sống cơ bản như chuyện biết sửa ống nước, biết nấu ăn… Tụi mình là nhóm đi trước, nên hiểu cuộc sống bên đó tuy không thiếu thốn gì, nhưng mọi việc mình phải tự làm, không có người phục vụ. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ hỗ trợ thêm các thủ tục giấy tờ, kỹ năng để các bạn tự tin ra nước ngoài”, Tiến cho biết thêm.
Chia sẻ về câu chuyện giữ chân lao động trẻ làm việc ở quê nhà, để họ có thể sống được với đồng lương mà không phải ồ ạt đổ xô về các thành phố lớn, hay tìm đường sang nước ngoài, anh Phạm Văn Long (28 tuổi, CEO một doanh nghiệp thực phẩm tại Nghệ An) chia sẻ: “Các tỉnh càng nghèo, dân càng đông mà không có cơ sở kinh tế nhiều thì người dân mới phải xa xứ để mưu sinh. Không đi nước ngoài thì cũng tìm đến Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc, Bình Dương... vì trong tỉnh ít có việc để làm, hoặc có việc thì lương quá thấp. Tôi thấy, các doanh nghiệp ở tỉnh cứ sai lầm là trả lương theo giá mặt bằng, thấy vật giá rẻ hơn TPHCM hay Hà Nội thì giảm tương ứng. Như vậy sẽ không thể thu hút người có năng lực. Ví dụ như ở quê nhà thiếu vài tiện nghi của thị thành, không có nhiều dịch vụ thư giãn thì phải bù vô thu nhập để người lao động có thể dùng tiền tự thưởng cho mình những chuyến du lịch, hay mua sắm, tiêu dùng trong cuộc sống thoải mái hơn. Có vậy thì lao động trẻ mới có thể trụ lại ở quê”.