Cầu thủ Sầm Ngọc Đức của CLB TPHCM vừa phải nhận án phạt khá nặng, treo giò đến 8 trận vì chơi bóng quá thô bạo trong trận đấu ở V-League hồi cuối tuần trước. Nhưng mức kỷ luật ấy vẫn chưa làm cho dư luận thỏa mãn bởi cầu thủ này từng 2 lần nhận các án phạt tương tự nhưng vẫn tái phạm, cho thấy khả năng cải tạo là rất khó.
Sầm Ngọc Đức lãnh thẻ đỏ trong trận TPHCM - Than Quảng Ninh
Câu chuyện này đặt ra một vấn đề đáng suy nghĩ. Bất kỳ án phạt nào về chuyên môn trong thi đấu thể thao đều có thời hiệu nhất định, ngoại trừ những lỗi mang tính đạo đức hay dính líu đến pháp luật. Không thể vì một hành vi phạm lỗi trong thi đấu mà treo giò vĩnh viễn một cầu thủ, đồng nghĩa tước đi quyền lao động hợp pháp của một công dân trong lĩnh vực đặc thù như bóng đá. Hơn nữa, việc kỷ luật cũng là hình thức giáo dục chứ không nặng về trừng phạt. Nhưng nếu đã phạt “kịch khung” mà vẫn tái phạm, lại là chuyện khác.
Việc cầu thủ có thiên hướng chơi thô bạo, ngoài yếu tố thói quen bản thân, còn chịu tác động bởi hoàn cảnh xung quanh. Cho dù bị kỷ luật nặng đến mức nào, cầu thủ vẫn khó thay đổi thói quen nếu như chính tại đội bóng của mình lại cổ vũ lối đá rắn, thô bạo. Hay nói cách khác, trách nhiệm của các đội bóng, CLB là rất lớn trong việc kiểm soát bạo lực sân cỏ.
Người hâm mộ Việt Nam dần xa lánh các giải bóng đá nội địa vì họ thường xuyên phải chứng kiến các hành vi bạo lực. Khi trình độ của bóng đá Việt Nam không cải thiện nhanh, bạo lực lại càng có xu hướng tăng lên và khán giả thì giảm dần. Tuy nhiên, ít ai quy trách nhiệm cho các CLB, đa số đều chỉ trích các nhà tổ chức hoặc cao hơn là LĐBĐ Việt Nam (VFF). Trên thực tế, những tổ chức này phần lớn chỉ giải quyết phần “hậu sự” thông qua việc “phạt nóng”, “phạt nguội” dựa trên các tiêu chuẩn thông thường chứ không thể kiểm soát mọi hành vi của cầu thủ.
Nhưng như đã nói, dù áp dụng án phạt nặng đến mức nào, bạo lực vẫn khó thuyên giảm nếu không đề cập đến vai trò của các đội bóng. Càng nhiều CLB khuyến khích lối chơi đẹp, nói không với bạo lực, kiên quyết không sử dụng cầu thủ có thói quen đá xấu… thì chắc chắn bạo lực sân cỏ sẽ giảm đi rất nhiều.
Ví dụ đội tuyển U.23 Việt Nam đang được người hâm mộ yêu thích hiện nay, hơn phân nửa tuyển thủ đến từ CLB Hà Nội FC và HA.GL, những đội bóng có lối chơi đẹp mắt, giàu tính cống hiến và đang có thứ hạng cao ở V-League hiện nay. Thành công của U.23 Việt Nam cho thấy sự cần thiết phải triệt tiêu tận gốc lối chơi bạo lực tại các giải đấu nội địa. Rất tiếc, bất chấp điểm sáng ấy, bất chấp những cảnh báo của các cơ quan quản lý, thời gian gần đây, bạo lực lại xuất hiện từ trên khán đài cho đến sân cỏ, từ V-League cho đến một giải đấu bán chuyên như giải hạng nhì. Suốt quá trình đó, chúng ta chỉ nghe các CLB xin lỗi mà không thấy những biện pháp mạnh mẽ nào trong việc xử lý nội bộ. Mọi thứ nhanh chóng bị quên đi, trách nhiệm của các CLB hầu như không chịu chế tài nào cả mặc dù sân cỏ nội địa vẫn liên tục bị bôi xấu bởi các hành vi bạo lực.
Một câu chuyện đáng để nghĩ suy thêm, đó là thành công của SLNA trong thời gian gần đây. Đội bóng này đang có kỷ lục 9 trận toàn thắng liên tiếp tại V-League, từ chỗ đứng áp chót ở lượt đi hiện SLNA đang nằm trong tốp 3. Điều đáng ngạc nhiên là họ chỉ mới nhận 35 thẻ vàng, không có thẻ đỏ nào sau 20 vòng đấu. Nếu chúng ta đã biết “truyền thống” của SLNA là chơi rất rắn, thậm chí thô bạo, thì sự tiến bộ về mặt phong cách còn gây bất ngờ hơn thành tích chuyên môn. Những thay đổi này có thể xuất phát từ việc SLNA chọn lối chơi mang tính chủ động, qua đó giúp họ đứng thứ 3 tại V-League về số bàn thắng và có số bàn thua ít thứ nhì giải, dù xét về tiềm lực, SLNA không hề mạnh. Rõ ràng, nếu CLB quyết tâm thay đổi hình ảnh của mình, sự tích cực sẽ đến với chính thành tích, cũng như góp phần làm cho V-League trở nên đẹp hơn.