Dùng công nghệ số chống hàng giả

Để ứng phó với chiêu trò sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phải “vắt óc” tìm lối đi cho thương hiệu. Bởi trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ khoa học kỹ thuật càng phát triển sẽ kéo theo công nghệ làm giả càng tinh vi. 
Người tiêu dùng phân biệt nón thật - nón giả tại TPHCM
Người tiêu dùng phân biệt nón thật - nón giả tại TPHCM

Nếu DN không nỗ lực, các cơ quan chuyên trách không chủ động nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thì “cuộc chiến” chống hàng giả sẽ khó đem lại kết quả khả quan. 

Đặt sản xuất hàng giả từ nước ngoài

Vào dịp cuối năm, các chương trình khuyến mãi giảm giá kéo dài liên tục. Mặt tích cực chính là góp phần kích cầu tiêu dùng, gia tăng sức mua, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng ngược lại cũng có những sản phẩm dỏm trà trộn để lừa đảo người mua. Điều đáng nói, các sản phẩm làm giả, làm nhái được nhiều DN đặt hàng trực tiếp từ các xưởng sản xuất ở nước ngoài để đưa về trong nước tiêu thụ. Thậm chí, sản phẩm được chào bán công khai trên Facebook, Zalo, các trang web rao vặt... như đồng hồ Rolex, quần áo, nón Chanel, Burberry. Với mức giá rất rẻ, người bán sẵn sàng công khai hàng nhái cấp độ 1, 2, 3 để người mua tùy vào khả năng mà lựa chọn. Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Anh Đào, bức xúc nói thẳng, DN đầu tư nhiều tiền của cho công nghệ chống giả, nhưng DN làm giả còn tinh vi hơn, chấp nhận đầu tư nhiều tiền hơn để có thể sản xuất hàng loạt mỹ phẩm giả đưa ra thị trường để thu lợi lớn. Đây là nỗi đau của công ty nói riêng và nhiều DN Việt Nam nói chung.

Tại một hội thảo về hàng giả vừa diễn ra tại TPHCM cách đây vài ngày, một cán bộ của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM thừa nhận, hàng giả ngày càng tinh vi, “chạy đua” cùng công nghệ. Khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ chống hàng giả ra đời ngày càng nhiều thì hàng giả cũng... nhiều hơn. Chính điều này khiến các DN cũng như các cơ quan chức năng chuyên trách cảm thấy áp lực hơn trong quá trình đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Ông Trần Giang Khuê, đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TPHCM, nhìn nhận quyền SHTT có khi chỉ được gói gọn trong phạm vi quốc gia, nhưng Internet đã vượt khỏi lãnh thổ mỗi quốc gia. Hàng hóa được bày bán tại các cửa hàng thật nay cũng được trưng lên mạng Internet để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Điều này dẫn đến những sơ hở, dễ dàng trà trộn hàng lậu, hàng giả để bán cho khách hàng đặt mua hàng qua mạng. 


Thông tin nhanh từ Cục QLTT TPHCM, trong hơn tuần lễ cuối tháng 11-2018, đơn vị đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 1 tỷ đồng. Trước thực trạng trên, ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) nhận xét, hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền SHTT ở nước ta ngày càng tăng, có nhiều diễn biến phức tạp về mức độ, cách thức vi phạm… Chỉ còn vài tuần nữa sẽ bước sang năm mới 2019, nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao nên “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái cần sự mạnh tay, triệt để hơn nữa. 

Siết hàng giả
 
Làm thế nào để minh bạch hóa thị trường, ngăn chặn hiệu quả vấn nạn hàng giả, hàng lậu? Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, cốt lõi của vấn đề chính là kết nối, minh bạch thông tin sản phẩm, tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử. Bởi thực tế việc giám sát kinh doanh trực tuyến hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi, vi phạm vẫn tràn lan. Vì vậy công tác quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu giữa cơ quan chức năng chuyên trách với DN là điều quan trọng, cần được triển khai nhanh hơn, mạnh hơn. Mặt khác, DN cũng cần chủ động bảo vệ mình. 

Đại diện Cục QLTT TPHCM cho biết, việc chống hàng giả, gian lận thương mại rất phức tạp, bởi những đối tượng này ngày càng manh động. Từ năm 2017 đến cuối năm 2018, QLTT đã xử lý trên 30.000 vụ, giá trị hàng hóa tịch thu gần 1.000 tỷ đồng. Giải pháp để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn hàng giả, hàng lậu chính là cán bộ phải nắm rõ thông tin, địa bàn, xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề để sớm phát hiện các vụ vi phạm. Đánh giá dưới góc độ DN, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, bổ sung thông tin, hiệp hội thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhằm trang bị các kiến thức cho DN, cán bộ chuyên trách, người dân phân biệt hàng thật - hàng giả; đồng thời, khuyến khích DN không ngừng đổi mới, đăng ký quyền SHTT ngay khi DN có sản phẩm mới tung ra thị trường... 

“Doanh nghiệp nên chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội, các cơ quan chuyên trách để sớm có biện pháp xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả. Thêm nữa, cần có biện pháp chế tài mạnh hơn trong việc xử lý đối tượng vi phạm. QLTT phải tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, QLTT phải đi sâu đi sát, nắm vững địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của DN, người tiêu dùng, thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người dân, DN...”, đại diện Cục QLTT TPHCM nêu giải pháp.

Truy vết container hàng lậu, hàng giả

Thông tin từ Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị đang tăng cường giám sát, kiểm tra những container có dấu hiệu chứa hàng nhập lậu, hàng giả… thông qua hệ thống kiểm soát container cảng biển (PCU TPHCM). Những mặt hàng trọng điểm nằm trong “tầm ngắm” kiểm tra bao gồm ma túy, vũ khí, động vật hoang dã, hàng cấm nhập khẩu theo quy định… Hầu hết các thành viên PCU TPHCM đều được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao theo quy trình chung của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hiệp quốc cũng như Tổ chức Hải quan thế giới.  Trước đó, Hải quan TP đã triển khai kiểm đếm hơn 200 container trong số 2.500 container hàng hóa không có người đến nhận. Sau khi mở container, cơ quan chức năng phát hiện nhiều mặt hàng phế liệu đóng thành từng bánh, bốc mùi hôi thối, thuộc diện cấm nhập theo quy định. Hiện tại, Cục Hải quan TP vẫn tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên trách kiểm tra những container “vô chủ” còn lại.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA HÀNG LẬU, HÀNG GIẢ

Hiện tại đang là thời điểm cận tết 2019 nên nguy cơ hàng lậu, hàng giả trà trộn vào hàng thật gây nhiễu loạn thị trường rất lớn. Trước tình hình này, các lực lượng liên ngành chức năng (quản lý thị trường, hải quan…) đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng có dấu hiệu vi phạm để siết chặt kiểm tra trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019. 
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Ngô Thành Luông, Chủ tịch UBND quận 6, cho biết, chỉ còn vài tuần nữa kết thúc năm 2018, bước sang năm mới 2019, bà con tiểu thương tại chợ Bình Tây cũng như nhiều chợ truyền thống khác trên địa bàn quận đang chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường TPHCM nói riêng, các địa phương lân cận nói chung. UBND quận 6 thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền đến bà con kinh doanh hàng hóa đạt tiêu chuẩn, bán đúng giá niêm yết, bán hàng có nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng yên tâm, khách mua sẵn sàng kết nối làm ăn lâu bền. 
Thông tin từ Cục QLTT TPHCM, đơn vị đã và đang tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên trách như công an kinh tế, hải quan… chung tay lành mạnh hóa thị trường tiêu dùng dịp cận Tết Nguyên đán 2019. Trước đó, UBND TP đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại qua các cảng biển, hàng không (đối với Hải quan TPHCM); rà soát chặt thị trường, nắm vững địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đối tượng buôn lậu “ẩn nấp” trên địa bàn để sớm đấu tranh, đưa ra ánh sáng (QLTT, công an)…
GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục