Các lỗi chủ yếu được camera giám sát ghi lại là chạy xe quá tốc độ, lùi xe, dừng đậu, đón trả khách không đúng quy định. Mới đây, C08 cũng đã bàn giao hệ thống camera giám sát trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Bình Thuận cho Công an tỉnh Bình Thuận. Hàng trăm phương tiện vi phạm tốc độ trên quốc lộ 1A đã bị phạt “nóng”. Còn tại đèo Bảo Lộc, sau các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây, Công an tỉnh Lâm Đông cũng dự kiến lắp camera để giám sát tốc độ phương tiện lưu thông qua đèo.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng C08, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát, phục vụ phạt nguội trên toàn quốc sẽ là liều thuốc điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc tăng cường phạt nguội, hạn chế xử phạt thủ công cũng sẽ đảm bảo được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ để quản lý, xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, hiện nhiều địa phương đã chủ trương xã hội hóa hình thức lắp camera giám sát tại những “điểm nóng” về an ninh trật tự, các ngã ba, ngã tư thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự… Mục đích để giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm. Nói rộng ra, sử dụng công nghệ để giám sát, xử lý các vi phạm, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật là việc làm được các nước phát triển trên thế giới áp dụng. Giám sát bằng công nghệ mang đến nhiều lợi ích, giúp kịp thời phát hiện, đấu tranh, trấn áp nhiều loại tội phạm. Đặc biệt, dữ liệu camera ở từng hộ gia đình nếu được đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu khu vực, địa phương còn kịp thời phát hiện, hạn chế những vụ việc mất an ninh trật tự, an toàn.
Giám sát xã hội bằng công nghệ sẽ được cụ thể hóa hơn nữa khi từ ngày 1-7 Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực sẽ quản lý người dân bằng “mã số định danh”, đặc biệt khi mới đây, Bộ Công an đã khai trương 2 hệ thống liên quan trực tiếp tới người dân là dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân. Dùng công nghệ để quản lý xã hội đang được kỳ vọng là bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng, giúp đổi mới quản lý dân cư theo hướng hiện đại.