Mỗi năm, khoảng 1,3 tỷ tấn thức ăn bị lãng phí trên toàn thế giới. Số lượng này đủ nuôi sống cả 3 châu lục là châu Phi, châu Âu và châu Mỹ trong vòng 1 năm. Việc lãng phí thực phẩm gây thiệt hại về kinh tế ước tính gần 100 tỷ USD, đồng thời lãng phí khoảng 250km³ nước để sản xuất số thực phẩm bị vứt bỏ này. Trái cây, rau củ, cá, ngũ cốc, trứng và sữa là các loại thực phẩm bị vứt bỏ nhiều nhất. Nguyên nhân gây lãng phí khác nhau ở từng khu vực.
Ở các nước đang phát triển, lãng phí chủ yếu xảy ra trong quá trình sản xuất và lưu trữ thực phẩm, chiếm 54% lượng thức ăn bị lãng phí trên toàn thế giới. Con số này ở các nước phát triển là 46%. Vứt bỏ các loại thức ăn khi chúng đã hết hạn sử dụng in trên nhãn là việc mà rất nhiều người vẫn hay làm. Tuy nhiên, việc này có thể gây lãng phí vì một số loại thực phẩm vẫn sử dụng được dù đã quá hạn sử dụng do nhà sản xuất ghi, vốn để tránh bị liên đới trách nhiệm với khách hàng nếu dùng hàng hết hạn. Hạn sử dụng ghi trên các nhãn hàng đã góp phần gây lãng phí 20% lượng thực phẩm trong gia đình.
Nhiều chiến dịch cũng như các giải pháp về chống lãng phí thực phẩm đã được thực hiện. Một trong những giải pháp đó là dựa vào công nghệ như: thiết bị đo chất lượng thực phẩm Winnow Vision của Anh, ứng dụng Too Good To Go trên điện thoại thông minh giúp kết nối các siêu thị, cửa hàng thực phẩm với những khách hàng có nhu cầu mua thức ăn thừa với giá rẻ của Đức.
Đi đầu trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm không thể không nhắc đến Pháp. Hiện Pháp là nước ít lãng phí thực phẩm nhất thế giới và cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng lệnh cấm các siêu thị bỏ thức ăn không sử dụng.
Mới đây, các nhà khoa học Pháp và Bỉ hợp tác phát triển một dự án mang tên Terafood nhằm giải quyết một trong những thách thức lãng phí lớn nhất trong thời đại của chúng ta.
Thông qua những nỗ lực và đổi mới, các nhà khoa học phát minh một cảm biến silicon có thể phát hiện ra các hợp chất dễ bay hơi do thực phẩm tạo ra khi chuyển hóa, phân hủy. Trong 4 năm qua, dự án Terafood đã tập hợp các đối tác ở Lille, Ghent, Dunkirk và Brussels, với tổng vốn đầu tư 2 triệu eur.
Theo Marc Faucher, người đứng đầu nhóm các hệ thống nano và vi mô tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, sắp tới nhóm nghiên cứu phát triển một cảm biến có khả năng đánh hơi mọi loại thực phẩm.
Dự kiến, thiết bị này sẽ được công bố vào mùa hè năm nay. Các nhà khoa học cũng kỳ vọng trong vòng 5 năm sẽ phát triển các cảm biến sử dụng cho ngành công nghiệp.
Bên cạnh các ứng dụng về công nghệ, thế giới có nhiều cách làm khác cũng rất hiệu quả như cửa hàng chuyên bán thực phẩm hết hạn tại Đan Mạch. Hình thức kinh doanh này đông khách đến nỗi chưa đầy 1 năm đã phải mở thêm cửa hàng thứ 2 để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhờ cách này, Đan Mạch đã giảm được 25% lượng thực phẩm bỏ đi trong 5 năm qua.