Kết quả này trước hết được lý giải là do tiêu chí cấp phép của AFC ngày càng cao hơn, những liên đoàn thành viên cũng được yêu cầu phải quyết liệt trong việc đánh giá đúng tiêu chí, không còn trường hợp “du di” như trước. Ở mùa giải trước, Liên đoàn Bóng đá Iran bị phạt hơn 100.000 USD vì cấp phép cho một CLB không đủ điều kiện.
Song, điều đáng quan tâm hơn là kết quả phần nào phản ánh tính chuyên nghiệp của các CLB ở Việt Nam không tăng lên theo thời gian, nếu không nói là ngày càng xa với tiêu chuẩn quốc tế, mặc dù chúng ta chuyển sang mô hình bóng đá chuyên nghiệp từ năm 2001 và có công ty quản lý riêng các giải đấu chuyên nghiệp từ năm 2012 đến nay.
Các quy định cấp phép của AFC được xây dựng nhằm giúp các CLB phát triển bền vững và tìm kiếm được doanh thu từ bóng đá. Không dễ để đáp ứng trọn vẹn ở tiêu chuẩn cao nhất nhưng những tiêu chí cơ bản thì không nằm ngoài khả năng của các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Theo đó, AFC không buộc các CLB phải sở hữu một sân vận động hiện đại, sức chứa khổng lồ mà chỉ quan tâm đến các tiêu chí mặt cỏ, hệ thống thoát nước, hạ tầng dịch vụ thi đấu đạt chuẩn; cũng không có yêu cầu các CLB chứng minh nguồn lực tài chính lớn đến mức nào, thay vào đó là các tiêu chí về hoạt động kế toán minh bạch, bảo đảm quỹ lương và phúc lợi cầu thủ, cũng như chi trả cho bộ máy vận hành CLB bao gồm y tế, kinh doanh, tuyến trẻ…
Thế nên, khi có quá ít CLB được cấp phép thi đấu quốc tế thì VFF cần xem xét lại tiến trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để tìm ra lý do vì sao việc đáp ứng các tiêu chí cơ bản lại khó đến vậy. Nguyên nhân nằm ở việc giám sát lỏng lẻo của cơ quan quản lý hay do có sự “lệch chuẩn” giữa việc cấp phép thi đấu chuyên nghiệp của V-League và các giải của AFC? Nhận thức của các CLB về vấn đề này đến đâu?
Khi bóng đá Việt Nam đã đặt ra tầm nhìn tham dự World Cup hay lọt vào tốp 10 châu Á trong 10-20 năm tới thì không thể có chuyện ngay tại cấp CLB lại chưa hội đủ các yếu tố chuyên nghiệp để tham gia vào sân chơi chung của châu lục. Chúng ta đã chứng kiến không ít thất bại của đội tuyển quốc gia trong các trận đấu quốc tế xuất phát từ những lỗi nghiệp dư của cầu thủ. Hoặc ở cấp CLB, ngoài một vài mùa giải hiếm hoi có những đại diện của Việt Nam như Hà Nội FC, Bình Dương thi đấu thành công thì đa số các CLB của Việt Nam dự AFC Champions League hay AFC Cup đều kết thúc ngay từ vòng bảng, nhiều CLB gần như buông xuôi, thi đấu chiếu lệ. Hoặc như các vụ thua kiện ở các CLB Hải Phòng, Thanh Hóa do cầu thủ nước ngoài khiếu nại lên FIFA.
Bóng đá Việt Nam muốn đi xa, bay cao quan trọng nhất là đôi chân phải vững, hành động phải lành nghề, chuyên nghiệp; không thể cứ ở trạng thái nửa vời trong cuộc hành trình vươn ra thế giới như hiện nay.