Giữa tháng 5, tại trụ sở UBND một xã thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, một phiên tòa được mở công khai cho đông đảo người dân theo dõi. T. - thanh niên 22 tuổi, người trong xã - bị xét xử vì tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Từ nhỏ sống chung với cha mẹ, học đến lớp 8 thì T. nghỉ, ở nhà phụ giúp gia đình. Năm 2018, T. trúng tuyển thi hành nghĩa vụ quân sự, nhưng T. không có mặt theo đúng thời gian, địa điểm trong Lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng, nên bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng. Cha của T. đã nộp thay số tiền này.
Năm 2019, T. tiếp tục trúng tuyển thi hành nghĩa vụ quân sự. Lần này, được cha mẹ động viên, T. đồng ý. Nhưng hai tuần trước thời gian tập trung tại ban chỉ huy quân sự huyện, T. đến Trà Vinh ở lại nhà của người bạn, rồi lên TPHCM ở nhà của anh trai, không có mặt để nhập ngũ. Hơn nửa tháng sau khi các bạn đã lên đường nhập ngũ, T. mới trở về.
Không phải tất cả những người có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự đều phải ra tòa. Quy định pháp luật đã dành cho những thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ nhiều cơ hội sửa chữa sai lầm. Nếu vi phạm về đăng ký, sơ tuyển, kiểm tra, khám sức khỏe và nhập ngũ, công dân trước tiên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các điều 4, 5, 6, 7 Nghị định 120/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Theo quy định tại Điều 332 Bộ Luật Hình sự 2015, nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị xử phạt tù (hoặc nếu tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình, phạm tội trong thời chiến, lôi kéo người khác phạm tội thì cũng bị phạt tù từ 1-5 năm).
Tại phiên tòa ở huyện Chợ Mới, T. chẳng có lời nào để biện minh cho sự trốn tránh của mình, chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt. Tòa nhận định, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân. Người nào không chấp hành đúng quy định pháp luật về nghĩa vụ quân sự sẽ bị chế tài nghiêm khắc. Đáng lẽ, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, bị cáo phải biết sửa đổi nhưng lại tiếp tục vi phạm khi nhận được lệnh gọi nhập ngũ lần tiếp theo. Hành vi của bị cáo không những vi phạm đến chính sách, pháp luật về nghĩa vụ quân sự mà còn tạo hệ lụy xấu cho những hành vi tương tự, ảnh hưởng đến công tác tuyển quân hàng năm và trật tự trị an tại địa phương. T. phải nhận bản án 9 tháng tù. Cộng với thời gian điều tra, truy tố xét xử trước đó, khi T. chấp hành xong hình phạt tù thì các bạn nhập ngũ trước đó đã tròn một năm rèn luyện trong quân đội.
Bảo vệ Tổ quốc là điều thiêng liêng, là trách nhiệm không của riêng ai, đừng chối bỏ…