Vào một buổi tối tháng 7 ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, một phụ nữ vừa đi bộ vừa sử dụng điện thoại thông minh và dừng lại giữa đường ngang giao với đường sắt. Hình ảnh của máy quay an ninh cho thấy, người phụ nữ vẫn nhìn vào màn hình điện thoại ngay cả khi rào chắn an toàn hạ xuống và có tiếng còi cảnh báo tàu sắp tới. Đoàn tàu lao tới và cô tử vong tại chỗ. Sau khi xem hình ảnh của máy quay an ninh, cảnh sát cho rằng nạn nhân biết tàu sắp tới nhưng tưởng mình đã đứng ở nơi an toàn.
Theo đài NHK, vụ tai nạn thương tâm này là lời cảnh báo về mối nguy hiểm “vừa đi, vừa dùng điện thoại thông minh”, khi mà các tai nạn liên quan đến thói quen này đang gia tăng ở Nhật Bản.
Theo Sở Cứu hỏa - Cứu thương Tokyo, từ năm 2016-2020, tại thủ đô của Nhật Bản, có 196 lần xe cứu thương được gọi đến vì xảy ra tai nạn liên quan tới việc vừa đi bộ hoặc đi xe đạp vừa nhìn điện thoại thông minh. Nạn nhân thuộc tất cả các nhóm tuổi.
Lý giải về rủi ro mà thói quen nguy hiểm trên mang lại, Giáo sư Kozuka Kazuhiro của Đại học Công nghệ Aichi (người dành hơn 1 thập niên nghiên cứu về ảnh hưởng của việc sử dụng điện thoại di động đối với tầm nhìn) cho hay, vùng tập trung của tầm nhìn giảm 95% khi nhìn vào điện thoại. Do đó, dù vật thể có trong tầm nhìn, chưa chắc não bộ có thể nhận biết nếu mắt không tập trung vào vật thể đó. Điều này có thể khiến người ta nhầm tưởng là mình vẫn nhìn thấy xung quanh.
Giáo sư Edagawa Yoshikuni của Đại học Waseda, chuyên gia về hoạt động của não, nhận định tầm nhìn không phải là thứ duy nhất bị ảnh hưởng. Người phụ nữ nói trên còn được cho là không nhận ra âm thanh cảnh báo nguy hiểm. Theo ông Yoshikuni, điện thoại thông minh được thiết kế để thu hút sự chú ý, và có thể người phụ nữ này mải mê nhìn màn hình tới mức não cô chặn các thông tin khác. Cuộc điều tra về vụ tai nạn cho thấy nạn nhân đi qua đường ngang này hàng ngày. Ông Yoshikuni cho rằng, có thể vì quá quen với môi trường đó nên cô có cảm giác an toàn giả.
Trên thực tế, các trường hợp tai nạn liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông được ghi nhận ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Như ở Trịnh Châu, Trung Quốc từng ghi nhận trường hợp tử vong do ngã cầu thang khi nạn nhân đi xuống cầu thang nhưng mắt “dán” chặt vào điện thoại di động…
Những cái chết thương tâm đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi cấm dùng điện thoại thông minh khi đang đi bộ. Năm 2020, TP Yamato ở tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) đã ra lệnh cấm như vậy. Tuy chỉ là quy định không kèm hình phạt, nhưng dường như có tác dụng nhất định.
Theo khảo sát của giới chức thành phố, tháng 1-2020, trong số những người đi bộ quanh nhà ga có khoảng 12% vừa đi vừa dùng điện thoại. Con số này giảm xuống 7% sau khi quy định có hiệu lực. Quận Adachi và Arakawa ở Tokyo, cũng như TP Ikeda ở Osaka, đã ban hành quy định tương tự.
Trong khi đó, TP Honolulu ở Hawaii ra quy định cấm nhìn điện thoại thông minh khi qua đường. Những người bị phát hiện vi phạm phải nộp phạt 15-99 USD.
Tại Hàn Quốc, giới chức nước này có cách tiếp cận sáng tạo hơn là lắp đèn LED vào vỉa hè ở nơi qua đường. Đèn này đổi màu theo tín hiệu giao thông.
Còn tại TP Trùng Khánh ở Trung Quốc, chính quyền địa phương đã bố trí làn đường riêng cho người muốn vừa đi vừa dùng điện thoại thông minh...