Sau khi Chính phủ đồng ý phương án sử dụng gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) để san lấp mặt bằng cho Cảng tổng hợp Vĩnh Tân (thay cho phương án nhận chìm xuống biển Bình Thuận như ban đầu), người dân địa phương, các nhà khoa học và dư luận xã hội bày tỏ sự đồng tình.
Vơi đi nỗi lo
Vừa ra khơi đánh bắt trở về với chiếc tàu đầy ắp hải sản, ông Phan Văn Chí (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) không kìm được xúc động khi nghe thông tin Chính phủ đồng ý phương án không nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất xuống vùng biển quê hương mình. “Hơn một năm qua, việc cho phép nhận chìm vật chất, cát xuống vùng biển gần đảo Hòn Cau khiến người dân chúng tôi nơm nớp lo âu, nhưng giờ lo lắng đó đã được giải tỏa, bà con ngư dân an tâm, tiếp tục tự tin vươn khơi, bám biển”, ông Chí bộc bạch.
Trong khi đó, những doanh nghiệp, hộ nuôi tôm giống tại xã Vĩnh Tân cũng đã thở phào nhẹ nhõm. Đại diện Hiệp hội tôm Bình Thuận nhận định, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nói riêng, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nói chung nằm giữa hai khu sản xuất tôm giống tập trung tại xã Vĩnh Tân, cách các đường ống lấy nước phục vụ sản xuất tôm giống không quá 1km. Do vậy, phương án không nhận chìm vật chất xuống biển đã “cứu” được khu sản xuất tôm giống trọng điểm của cả nước với sản lượng hàng năm gần 30 tỷ con, cung cấp hơn 35% tôm giống cho thị trường toàn quốc.
Còn ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Khu bảo tồn biển Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong) hồ hởi: “Ban đầu, khi biết vị trí nhận chìm chỉ cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 8,2km, cách vành đai bảo vệ khu bảo tồn này khoảng 2km, chúng tôi rất lo ngại về các nguy cơ tác động đến các rạn san hô, bãi cạn Breda, rùa biển và nhiều loài thủy sinh quý hiếm của đại dương. Với quyết định mới đã tạo thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục công việc bảo tồn hệ sinh thái ở khu vực đảo”.
Khả thi, thận trọng
Theo đánh giá của các nhà khoa học, phương án sử dụng gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để san lấp mặt bằng theo quy hoạch của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, thay cho phương án nhận chìm xuống biển, hiện được xem là giải pháp an toàn, ít tác động đến môi trường, nhưng khi thực hiện phải hết sức cẩn trọng. Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, phân tích: “Việc đổ khối lượng vật chất này để san lấp mặt bằng lấn biển theo quy hoạch của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân là rất khả thi, bởi vật chất thu được trong quá trình nạo vét có khoảng 60% là chất rắn, còn lại là chất lỏng. Như vậy, trong 1 triệu m3 vật chất ta sẽ thu được khoảng 600.000 tấn chất rắn để bồi lấp biển mà không gây lãng phí nguồn tài nguyên”.
Tuy nhiên, TSKH Nguyễn Tác An cũng nhận định: “Phương án dùng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng là hợp lý, nhưng vấn đề thực hiện như thế nào để không gây tác động xấu đến môi trường thì phải cần đòi hỏi tay nghề của đội ngũ chuyên gia. Trong quá trình nạo vét cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường, sinh kế của người dân. Do vậy, việc giám sát quá trình thực hiện dự án phải được quan tâm hàng đầu, không làm lệch đi sự chỉ đạo của Trung ương”.
Theo đánh giá của Bộ TN-MT, trong quá trình xây dựng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (gồm 5 nhà máy nhiệt điện) sẽ phải cần nạo vét khoảng 5 triệu m3 vật chất. Do vậy, về lâu dài, cần có những phương án khác để giải quyết khối lượng vật chất này sao cho an toàn. TSKH Nguyễn Tác An cho biết, phương án dùng vật chất nạo vét để san nền, lấn biển, chống xói lở bờ biển đang được xem là những giải pháp khả thi. Tuy nhiên, để làm được những việc này thì chúng ta cần phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể để không ảnh hưởng đến môi trường.