Đừng chặt hạ, mà hãy chăm chút cây xanh an toàn

Sau vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) bật gốc đè tử vong một học sinh và làm nhiều học sinh khác bị thương vào ngày 26-5, đã xuất hiện tâm lý lo ngại có thêm những vụ tai nạn do cây xanh đổ ngã. 

Để đảm bảo an toàn, nhiều cây xanh cổ thụ trong trường học, cơ quan, đơn vị và trên các tuyến phố đã bị cưa hết nhánh hoặc bị chặt hạ, trong khi mảng xanh ở đô thị đang rất ít. Nhiều bạn đọc đã gởi đến Báo SGGP những góp ý thiết thực. 

Cây xanh không có tội

Sau vụ tai nạn chết người do cây xanh đổ ngã trong sân trường học, nhiều nơi đồng loạt đốn hạ nhiều cổ thụ để đảm bảo an toàn. Đúng là tính mạng con người quan trọng hơn cả, nhưng cũng nên nhớ rằng để trồng được một cây xanh có bóng mát, nhất là những cây cổ thụ thì phải mất hàng chục năm, thậm chí gần cả trăm năm.

Thế nên, đừng đổ tội cho cây xanh mà ồ ạt cưa cành, chặt hạ cây xanh; cần rà soát, nghiên cứu xem cây nào phải đốn hạ, cây nào vẫn còn đảm bảo an toàn để chăm chút. Sẽ thật buồn khi những con đường, những ngôi trường không có cây xanh, hoặc cây xanh bị cưa cành trụi lủi, chẳng khác nào cây… cột điện, không còn tác dụng tạo cảnh quan, bóng mát và điều hòa dưỡng khí nữa. 

Có một biện pháp để cổ thụ sống chắc chắn, an toàn là gia cố, chằng chống. Tại Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu, người ta rất chăm chút giữ an toàn, chống ngã đổ cho cây xanh ở đô thị, những cây cổ thụ to lớn đều có vòng đai thép lớn quanh thân, kèm theo đó là các trụ ống thép lớn cắm xuống quanh gốc theo kiểu như… kiềng 3 chân chắc chắn, vững chãi, có thể chống chọi được với gió lớn, dông bão. Ở nước ta, cách này chỉ được thực hiện cho cổ thụ thuộc dạng di tích hay rất quý hiếm tại một số địa điểm như bảo tàng, chùa chiền.

Đừng chặt hạ, mà hãy chăm chút cây xanh an toàn ảnh 1 Cần chăm sóc, giữ gìn cây xanh trong sân trường để tạo bóng mát và cảnh quan cho môi trường giáo dục. Ảnh: CAO THĂNG

Để cây xanh luôn tỏa bóng mát, tạo cảnh quan và môi trường sống trong lành chỉ nên chặt hạ những cây có cành giòn, dễ gãy, khả năng ngã đổ cao. Cùng với việc gia cố chắc chắn an toàn cho cổ thụ không bị ngã đổ, cũng nên có phương án cụ thể, rõ ràng trước khi trồng một loại cây xanh nào đó làm bóng mát sao cho có ích lợi nhất. 

NGUYỄN THỊ LOAN, Học viện Thanh thiếu niên

Quy định rõ trách nhiệm các bên phối hợp

Mỗi năm 2 lần, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đều hợp đồng với các công ty cây xanh để có chế độ kiểm tra, chăm sóc định kỳ cho tất cả cây xanh trong khuôn viên trường. Trường học không có chuyên môn về chăm sóc cây xanh, toàn bộ quá trình giám định, theo dõi đều do các đơn vị chuyên môn thực hiện; mỗi lần kiểm tra đều có đầy đủ biên bản giám sát.

Thực tế cho thấy, nhiều cây xanh trong trường nhìn bằng mắt thường vẫn tươi tốt, cành lá xum xuê, xanh mướt, phát triển theo chu kỳ bình thường, nhưng qua kiểm tra, giám định mới phát hiện có bệnh bên trong thân cây, hệ rễ không đảm bảo, cần được can thiệp bằng các biện pháp chuyên môn.

Mới đây, sau vụ cây phượng bật gốc đè trúng học sinh tử vong ở quận 3, Sở Xây dựng TPHCM đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị quận 10 xuống trường kiểm tra, phát hiện trong khuôn viên trường có 3 cây bàng và 1 cây phượng cần được can thiệp, xử lý. Trong đó, cây phượng bị mục ruỗng trong thân nên chúng tôi đã nhanh chóng liên hệ công ty cây xanh để hạ độ cao của cây phượng này; tuy nhiên không chặt bỏ hoàn toàn tận gốc, mà chừa phần thân cao khoảng 3m, vừa đảm bảo không có nguy cơ ảnh hưởng học sinh, vừa tạo điều kiện cho cây có thể phát triển trở lại. 

Để việc chăm sóc cây xanh trở thành hoạt động thường xuyên và có hiệu quả trong trường học cần có sự phối hợp, cùng chịu trách nhiệm của nhiều cơ quan, ban ngành, chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho hiệu trưởng. Trong đó, các cơ quan chức năng như phòng quản lý đô thị, công ty công viên cây xanh nên có chế độ bảo dưỡng định kỳ 4 tháng/lần đối với tất cả cây xanh trong trường học, tránh tình trạng để các trường loay hoay tự ứng phó.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP nên quy định trách nhiệm cụ thể của từng bên phối hợp trong việc quản lý cây xanh trong trường học, đặc biệt là những cây cổ thụ lâu năm được đánh số thứ tự quản lý của TP, không nên giao về cho các trường, vì trường không đủ chuyên môn thực hiện.

HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM)   

Khắc phục chồng chéo trong quản lý cây xanh

Có không ít sự bất cập, chồng chéo trong việc quản lý cây xanh tại các trường học hiện nay. Cây trong trường được tính vào tài sản mà nhà trường phải quản lý. Thế nhưng, quản lý thế nào lại phụ thuộc vào những đơn vị chức năng khác.

Theo ông Lê Quang Đạo, Phó phòng Quản lý hạ tầng Sở Xây dựng TPHCM, cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng bị đổ thuộc nhà trường quản lý, không thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng. Trước mỗi mùa mưa, sở đều có văn bản gửi các quận huyện nhắc rà soát cây xanh để đảm bảo an toàn. Theo quy định, hiện nay cây xanh thuộc công sở nào do công sở đó quản lý. 

Việc giao cho một đơn vị không có chuyên môn như nhà trường quản lý cây xanh, dù là trong khuôn viên trường, là chuyện hết sức vô lý. Bởi nhà trường chẳng thể làm gì ngoài việc thuê các công ty cây xanh về bảo trì theo định kỳ vài lần trong năm. Do vậy, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu hợp lý trong việc quản lý cây xanh. 

TƯƠNG QUAN, quận 7, TPHCM



Trách nhiệm khi cây xanh trong sân trường gãy đổ

Cây xanh sân trường là không gian vui chơi, học tập, sinh hoạt của học sinh. Đặc biệt, cây phượng không những tạo bóng mát mà còn để lại bao kỷ niệm đẹp không thể quên của tuổi học trò. Vì thế sẽ thật tiếc nếu như sân trường không có cây xanh. 

Vậy mà nhiều trường đang cho chặt hạ hàng loạt cây xanh trong sân trường, do hiệu trưởng sợ trách nhiệm, sợ liên lụy nếu không may cây gãy đổ gây ra tai nạn như sự cố vừa xảy ra ở Trường THCS Bạch Đằng. 

Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2010/NĐ-CP (về quản lý cây xanh đô thị), có quy định rõ về các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.

Theo đó, khi cây trong khuôn viên trường học bị gãy đổ gây thiệt hại thì người đầu tiên được xác định phải chịu trách nhiệm là hiệu trưởng. Mặt khác, Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Do đó, nếu có thiệt hại về người, tài sản khi cây xanh gãy đổ thì cá nhân, đơn vị chủ sở hữu hoặc được giao chăm sóc cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, đó là trên nguyên tắc, thực tế không phải mọi trường hợp đều phải bồi thường. Bởi đây là bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng, vì thế bồi thường chỉ khi có thiệt hại thực tế, có yếu tố lỗi, có quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại. Chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cây xanh sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu đó là sự kiện bất khả kháng (bất ngờ) hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được, và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Do vậy, nếu trước khi cây xanh bị gãy đổ mà nhà trường đã làm mọi biện pháp như thường xuyên kiểm tra để phát hiện mối mọt hay cây bị rỗng, cắt tỉa các cành cây, bảo vệ, chăm sóc cây, hoặc đã báo với đơn vị liên quan đến quản lý cây xanh đô thị để xử lý nhằm phòng ngừa, hạn chế tai nạn; đã làm hết khả năng, trách nhiệm để phòng ngừa nhưng do mưa to, gió lớn mà cây xanh bị gãy đổ, gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường. Do đó, lãnh đạo các trường học không nên quá lo lắng đến nỗi cho chặt trụi cây xanh trong sân trường, vì như vậy là vô lý, không cần thiết.

Luật gia PHẠM VĂN CHUNG, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Tin cùng chuyên mục