Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo Luật đã thiết kế một chương riêng về nội dung này (Chương III) và đề xuất bãi bỏ nội dung tương ứng tại Luật Đấu thầu 2013.
“Dự thảo Luật đã chỉnh sửa một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư để phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và các kinh nghiệm trên thế giới. Cụ thể, việc phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Các nội dung trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư (như phương thức và hình thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư) được phê duyệt đồng thời tại báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự thảo cũng đã bổ sung hình thức đấu thầu hạn chế và phương thức đấu thầu “hai giai đoạn một túi hồ sơ” để phù hợp với dự án có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù hoặc chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của dự án”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận đây là một luật không chỉ có tác động kinh tế sâu rộng, mà còn có tác động xã hội rất lớn, song vẫn còn hàng chục điều chưa được quy định rõ. Băn khoăn về tính thống nhất, đồng bộ với các dự án luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị “cái gì đã rõ thì mới luật hóa”. Ông Nguyễn Văn Giàu cũng không quên nhắc lại những hệ lụy do “phát triển quá nóng” hình thức đầu tư BOT và đề nghị tham khảo kỹ ý kiến các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm với Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng khuyến nghị: “Luật này chỉ nên tập trung vào hai nội dung: về doanh nghiệp dự án (doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án PPP) và hợp đồng PPP mà thôi. Nên tiếp cận hướng đó mới nhanh được”. Ông cho biết đã rà soát và phát hiện dự thảo Luật này có xung đột với một số luật khác, kể cả Luật Đầu tư sửa đổi do chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo. Người đứng đầu Ủy ban Pháp luật đồng thời bày tỏ rất không đồng tình với cách quy định “nếu nội dung luật này khác với các luật khác thì thực hiện theo luật này”. Quy định này, theo ông, sẽ “đụng chạm lung tung và khó khả thi”.