Phải chăng sự xuất hiện liên tiếp của những “sản phẩm được cho là rác” là do chế tài xử phạt chưa nghiêm, tính răn đe chưa cao? Ông Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ VH-TT-DL đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Một số nhạc sĩ, ca sĩ đã lên tiếng bày tỏ thái độ bức xúc khi tiếng Việt đang mất đi sự trong sáng vì cách đặt tên ca khúc cố tình gây chú ý theo kiểu nói láy nhạy cảm. Dưới góc độ của một nhạc sĩ, một người quản lý, ông có nhận xét gì về hiện tượng này?
* Ông NGUYỄN QUANG VINH: Việc sáng tác ca khúc rồi phổ biến ca khúc trên mạng xã hội hiện nay đang là vấn đề rất khó kiểm soát. Chúng ta không thể áp đặt hoặc bắt buộc họ phải đặt tên kiểu này, đặt tên kiểu kia… theo ý của chúng ta. Song cũng không phải vì thế mà những người sáng tác hoặc sản xuất âm nhạc được quyền đặt tên bài hát theo kiểu phản cảm, gây sốc hoặc tác động tiêu cực đến người nghe. Người sáng tác cần phải có một nền tảng tri thức và cái tầm của người làm văn hóa khi bắt tay tạo ra một sản phẩm văn hóa. Chúng ta cần phải tìm một cái gì đó phù hợp với văn hóa, với thuần phong mỹ tục, với đạo đức nghề nghiệp và thị hiếu của công chúng. Thêm nữa, người nghe có quyền rất lớn khi quyết định nghe hay không, quyền phản đối, tẩy chay những sản phẩm không phù hợp, kém chất lượng.
- Nhưng đáng tiếc, một số ca khúc được cho là có những cái tên quá lố, có nội dung nhảm nhí để câu view lại là sản phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ trẻ đã có chút thành công. Điều này đã dấy lên những lo ngại sẽ làm cho thị hiếu âm nhạc trẻ bị ảnh hưởng bởi trào lưu thiếu lành mạnh này?
* Không chỉ người làm nghệ thuật lo ngại mà những người có gia đình, có con cái đều lo lắng trước hiện tượng này. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại về sự nổi tiếng. Những bạn đó có thể có một vài thành công trong một mũi nhọn nào đó nhưng để xếp vào những người nổi tiếng thì không hẳn.
Các văn bản pháp quy liên quan đều đã có những quy định khá rõ ràng. Trong trường hợp này, tôi thấy cũng tương tự như tham gia giao thông vậy. Đèn xanh đèn đỏ được vận hành thông suốt, nhưng điều này cũng không thể ngăn chặn vi phạm tuyệt đối, mà đi kèm với đó là sự giám sát, kiểm soát và những chế tài mạnh hơn. Ví dụ như việc trang bị cho người nghe nền tảng về âm nhạc, biết phân định đâu là sản phẩm văn hóa, đâu là rác để từ chối tiếp nhận, để tẩy chay nó. Nếu cứ mải miết đi bịt những lỗ hổng, làm theo kiểu sự vụ thì rất khó.
- Ông có nghĩ việc chậm trễ đưa ra các phương án xử lý hiện tượng này sẽ khiến cho mức độ lan truyền ngày càng trầm trọng?
* Rõ ràng, mạng internet cũng là một dạng giao lộ thông tin. Tương tự, ngoài đời cũng có các giao lộ giao thông và ở các điểm giao lộ đó vẫn có các cảnh sát cắm chốt để theo dõi. Chúng ta đừng tưởng là các thể loại âm nhạc đó muốn tung hoành ngang dọc thế nào cũng được. Chắc chắn là đang có cơ quan chức năng theo dõi sát những vấn đề này. Chỉ có điều là họ sẽ xử lý lúc nào và mức độ ra sao.
Cục NTBD trong quyền hạn của mình chỉ được phép ban hành các quy định, các chế tài… Còn người kiểm soát và xử lý những sự việc này lại là những người được phân quyền trực tiếp theo quy định của pháp luật. Lo ngại những sản phẩm này sẽ có các tác động tiêu cực đến công chúng là đương nhiên. Không phải riêng tôi mà giới âm nhạc nghệ thuật nói riêng và cộng đồng có lương tri nói chung đều có sự lo ngại về việc này. Đặc biệt, các bậc phụ huynh có các con đang ở độ tuổi trưởng thành thì lại càng có nhiều nỗi lo. Nhưng tôi nghĩ rằng, ngăn chặn chỉ là giải pháp tạm thời mà cần phải làm điều gì đó mạnh tay hơn để thay đổi ý thức của một số cá nhân.
- Liệu có sự đùn đẩy về trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Phát thanh truyền hình, Internet và Cục NTBD trong việc quản lý các sản phẩm âm nhạc trên mạng xã hội, YouTube?
* Đúng là album, live show, chúng tôi kiểm soát được, vì trước khi phát hành, biểu diễn họ đều phải xin phép. Trường hợp không xin phép, tự đăng MV, ca khúc lên mạng là vi phạm. Tất nhiên, nếu tự đăng tải mà là những bài có nội dung tốt, không có ảnh hưởng gì cả thì dễ được chấp nhận, còn nếu nội dung không tốt, thô tục, thì các bên liên quan phải chịu trách nhiệm.
Nói là đùn đẩy trách nhiệm giữa hai cơ quan, tôi không cho là vậy. Với những sản phẩm được cấp phép, Cục NTBD cấp phép, cục sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng với những sản phẩm không thông qua cục, cục cũng không biết thì không thể kiểm soát được. Thêm nữa, cần khẳng định ca khúc được phát hành ở đâu, nơi đó có quyền xử lý. Cũng giống như người tham gia giao thông vậy. Gặp đèn đỏ nhưng người ta vẫn cứ đi, phải có người công an giao thông ở đó xử lý, người ta mới không dám vượt đèn đỏ. Việc vi phạm ở địa phương rồi đẩy ra cho trung ương xử lý là không thể.
Song cũng phải thừa nhận là đang tồn tại những lỗ hổng pháp lý trong các văn bản pháp quy để cho các nhạc sĩ, ca sĩ lợi dụng thực hiện hành vi được cho là gây scandal, câu view. Hiện chúng tôi đang xây dựng chính sách phối hợp giữa Bộ VH-TT-DL và Bộ TT-TT để hình thành những quy định chung quản lý những tình huống mới phát sinh trong thời đại công nghệ mới như việc đăng tải MV, clip, bản thu… trên YouTube hay chia sẻ trên mạng xã hội…
- Hoàn thiện và ban hành nghị định quản lý NTBD sửa đổi vào cuối năm nay liệu có thể giải quyết căn bản những trường hợp câu view, bất chấp để nổi tiếng như hiện nay không, thưa ông?
* Hiện nay đang xây dựng bổ sung nghị định quản lý NTBD, đang cố gắng tìm biện pháp tốt để các địa phương có căn cứ để xử lý. Tuy nhiên, nghị định sau khi ra đời thì có thể một thời gian sau sẽ không phù hợp nữa, lại tiếp thu để sửa đổi.
Cơ quan quản lý cũng có sự phân cấp rõ ràng và được pháp luật quy định. Cục NTBD không thể suốt ngày lọ mọ đi tìm xem ở đâu có những gì chưa đúng mà xử lý. Cục chỉ xử lý những vấn đề nằm trong quyền hạn của mình. Chúng tôi cũng cân nhắc một số điều liên quan đến việc theo dõi những cá nhân nhiều lần vi phạm trong lĩnh vực NTBD.
Theo tôi, chúng ta cần hướng tới hình ảnh về những người nghe nhạc văn minh. Chúng ta càng không nên bới những ca khúc rác ra nghe rồi yêu cầu người khác phải xử phạt!
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!