Đừng “bỏ quên” sách dành cho trẻ yếu thế

Sự ra đời của ấn phẩm Đi tìm ánh sáng do tổ chức Room to Read Việt Nam kết hợp NXB Văn học ấn hành, nêu lên một thực tế: trong khi thị trường sách thiếu nhi vô cùng sôi động, thì dòng sách cho trẻ nhỏ yếu thế lại gần như bị “bỏ quên”.

Khơi dậy sự thấu cảm

Đi tìm ánh sáng được thực hiện theo hình thức sách tranh không lời, là sự kết hợp giữa tác giả Phan Thị Khánh Quỳnh và ThS giáo dục đặc biệt Nguyễn Thành Vinh, cũng chính là nhân vật của cuốn sách. Cuốn sách tái hiện thời thơ ấu của Nguyễn Thành Vinh, một cậu bé bị mất thị lực do tai nạn năm 1 tuổi và phải rời xa gia đình đến sống và học tập tại Trường giáo dục đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, từ một cậu bé mù loay hoay trong bóng tối, Nguyễn Thành Vinh đã tìm thấy ánh sáng của yêu thương, tri thức và kết nối.

Tác giả Khánh Quỳnh cho biết, thế mạnh của chị là ngôn từ, nhưng ấn phẩm Đi tìm ánh sáng lại được thực hiện theo hình thức sách tranh không lời, nên ban đầu rất khó để thể hiện cảm xúc của nhân vật.

“Tôi nhớ những buổi ngồi phỏng vấn Nguyễn Thành Vinh để tìm ra ý tưởng cho sách, đã rất xúc động và cảm phục cuộc sống của những em bé như bạn. Cuộc sống ngoài kia không phải đứa trẻ nào cũng được lớn lên bên cạnh ba mẹ của mình, có em lớn lên trong cô nhi viện, trường nội trú, thậm chí là vỉa hè lề đường…”, Khánh Quỳnh nhớ lại.

Ông Lê Thiện Trí, Giám đốc chương trình phát triển ngôn ngữ của Room to Read, cho biết, Đi tìm ánh sáng là viên gạch đầu tiên trong một hành trình dài phía trước. Với cách trình bày chủ yếu bằng tranh, “kiệm lời”, cuốn sách mở ra cơ hội để học sinh và giáo viên trải nghiệm nội dung bằng thị giác, tự hình thành cách hiểu theo cảm nhận của riêng mình.

“Việc tiếp xúc với góc nhìn mờ ảo của những bạn bị giảm thị lực, giúp các em nuôi dưỡng sự thấu cảm, hiểu hơn về những khó khăn mà bạn bè có nhu cầu hòa nhập đang gặp phải trong học tập và sinh hoạt. Đồng thời, một cuốn sách ít lời cũng khuyến khích người đọc sáng tạo phần lời theo cách riêng, qua đó rèn luyện khả năng biểu đạt ngôn ngữ”, ông Lê Thiện Trí bày tỏ.

Ngoài ra, theo ông Lê Thiện Trí, sách tranh “kiệm lời” còn là một định dạng phù hợp cho học sinh khiếm thính, bởi các em có thể tiếp nhận thông tin qua hình ảnh và ký hiệu. Điều này không chỉ giúp sách tiếp cận gần hơn với nhóm học sinh này, mà còn tạo sự hứng thú, khuyến khích các em tìm đọc thêm nhiều sách tranh khác.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa được xem là biểu tượng của tinh thần ý chí và nghị lực. Dù bị hạn chế về sức khỏe nhưng những năm qua, chị đã không ngừng nỗ lực để cho ra đời nhiều tác phẩm văn học dành cho người lớn và thiếu nhi. Đặc biệt, một trong những tác phẩm viết về trẻ yếu thế được bạn đọc yêu mến, được tái bản nhiều lần của chị là truyện dài Tay chị tay em (NXB Kim Đồng). Tác phẩm được hình thành từ chính câu chuyện của bản thân, một cô bé bị bại liệt từ nhỏ, khiến cô có hai tay không đều nhau.

C6a.jpg
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa trong một buổi chia sẻ về viết và đọc với các em nhỏ. Ảnh: NVCC

“Từ bé, do hoàn cảnh sức khỏe bản thân, thế giới quan và cả trải nghiệm trưởng thành của tôi hơi khác với các bạn mình. Khi đến với đề tài trẻ em yếu thế, tôi muốn giới thiệu đến độc giả thế giới của chúng tôi - những đứa trẻ yếu thế - một thế giới không chỉ có nỗi buồn mà còn đầy ắp hy vọng và lấp lánh hạnh phúc”, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ.

Là người có những nghiên cứu sâu về văn học thiếu nhi, nhà nghiên cứu Trịnh Đặng Nguyên Hương (Viện Văn học), cho rằng, rất cần và rất quý những ấn phẩm dành cho trẻ yếu thế. Bởi theo chị, với những em bé ở trong hoàn cảnh tương tự, các em sẽ dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm, thấy sự hiện diện của mình, để các em thấy mình không cô đơn, còn có những bạn khác giống mình. Từ đó, các bạn có thêm điểm tựa, nghị lực để soi vào.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thiện Trí, dù thị trường sách thiếu nhi trong nước đang rất phát triển, đa dạng và phong phú, nhưng lại có rất ít sách phù hợp với trẻ em khuyết tật. “Việc có cơ hội tiếp cận những ấn phẩm chất lượng, được thiết kế phù hợp với đặc điểm riêng, sẽ đảm bảo tất cả trẻ em đều có cơ hội phát triển công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Lê Thiện Trí cho biết.

“Như các đối tượng độc giả khác, trẻ yếu thế cũng rất cần những tác phẩm văn học “chạm” được đến câu chuyện, tâm tư mình. Văn học không chỉ là cầu nối để đưa thêm nhiều cảm thông, chia sẻ của bạn đọc đến với trẻ yếu thế, mà còn là nơi để trẻ yếu thế có thể mạnh mẽ lên tiếng cho mơ ước được công nhận và được yêu thương”, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục