
Cùng miếng trầu, ấm trà, chén rượu đã trở thành “chất dẫn” đưa đẩy câu chuyện trong văn hóa tiếp khách của người Việt. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, chén rượu trong văn hóa ẩm thực nói riêng và văn hóa nói chung đang trở thành “vấn nạn”. SGGP thứ bảy đã có cuộc trao đổi với GS Tô Ngọc Thanh (ảnh), Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam về vấn đề này.
- GS có thể cho biết, rượu có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam từ xưa đến nay?
- Theo sử sách ghi lại, rượu xuất hiện ở Việt Nam từ buổi bình minh của đất nước. Sách Lĩnh Nam chích quái viết: “Buổi mới dựng nước, đồ ăn của dân chưa đủ. Lấy vỏ cây làm áo, dệt cói làm chiếu, lấy hèm làm rượu gạo, lấy bột quang lang làm bánh, lấy thịt chim muông làm mắm, lấy gừng làm muối…”.
Nguyên nhân khiến người ta uống rượu có rất nhiều, nhưng tựu trung có mấy lý do chính: Một là uống rượu có tính chất cộng đồng. Đây là hình thức để thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ, chia sẻ vui buồn, trò chuyện, trao đổi thông tin của các nhóm bạn bè, gắn kết tình bằng hữu. Một hình thức uống rượu cộng đồng khác là trong các dịp lễ hội, các buổi việc làng thể hiện tính đặc trưng của văn hóa làng xã Việt Nam, trong các đám cưới, đám tang… Uống rượu còn một lý do nữa là để giải sầu, do rượu có chất men khiến người uống có cảm giác thăng hoa, tạm quên những nỗi buồn của cuộc sống thường nhật. Như vậy, không thể phủ nhận, uống rượu là một nhu cầu, một tập quán trong giao tiếp xã hội. Và uống rượu đã trở thành một nét văn hóa.
Thời xưa, uống rượu bằng chén mắt trâu (chén nhỏ), nếu có cạn cả chén thì chúng tôi vẫn gọi là “chưa đủ tráng chân răng”. Nhưng cũng không ai cạn cả chén một lần. Uống rượu có văn hóa phải là tay nâng chén rượu lên miệng, nhấp một hớp nhỏ, khẽ chép miệng cho hương vị của rượu ngấm vào đầu lưỡi rồi mới tiếp tục uống hớp thứ hai, thứ ba… Uống như thế người ta gọi là thưởng rượu, để thấy tinh thần phấn khởi, nỗi mệt nhọc được giảm đi, tâm hồn nhẹ nhàng bay bổng, để trò chuyện, chia sẻ tâm tình.

Người giàu có uống rượu đắt tiền, người có chữ nghĩa vừa uống rượu vừa làm thơ phú, đọc cho nhau nghe những áng văn hay… Người nghèo thì uống rượu suông, cũng có khi thức nhắm là quả sung, quả ớt, quả ổi xanh, hoặc con cua, con cá… Trong bữa rượu, những người ngang tuổi hoặc có chức sắc được xếp ngồi với nhau, người ít tuổi hơn hoặc người bình dân ngồi riêng một chỗ. Đó là thể hiện sự tôn trọng, đạo lý trong cuộc sống cho có lớp lang, cung bậc.
- Phong tục, văn hóa uống rượu tinh tế ấy ngày càng bị biến tướng một cách nhanh chóng?
- Thời tôi đi bộ đội, có uống rượu bằng chén uống nước như bây giờ, nhưng cũng chỉ 1, 2 chén, khi trò chuyện tâm tình. Phong trào uống “1, 2, 3, dzô” chỉ xuất hiện từ sau năm 1975. Hiện nay, đây là cách uống rượu phổ biến ở bất cứ hàng quán nào. Từng tốp thanh niên tụ tập, cứ “dzô” đều đều. Đây không phải uống rượu mà là “nốc” rượu, là uống lấy được, uống để chứng tỏ mình giàu có, chứng tỏ mình uống được nhiều. Xưa, uống rượu chỉ là cái cớ, là chất men đưa đẩy câu chuyện. Nay, uống rượu lại là “đọ sức” xem ai uống tốt, ai say trước.
Tôi nói với tư cách một người có tuổi, thấy các bạn trẻ bây giờ uống rượu bia là một sự lãng phí. Đây là một thú vui, nhưng không nên “uống lấy được” như vậy. Vào quán, mỗi nhóm khách được chủ quán đưa ra vài két bia. Mục đích của chủ quán là bán được hàng. Còn các bạn trẻ thì uống chỉ vì mục đích tỏ ra ta uống được. Một chai bia bao nhiêu tiền? Nhân lên một bữa nhậu bao nhiêu tiền? Thu nhập của các bạn bao nhiêu một tháng? Cách chi tiêu này có cân bằng hay không? Đất nước không còn quá nghèo nhưng cũng không giàu, việc thế hệ thanh niên có phong trào ăn nhậu như vậy có đáng gọi là “vấn nạn” hay không?
Tôi cứ nghĩ, giá như các bạn trẻ vẫn uống, nhưng không ầm ĩ, mỗi người 1, 2 chai bia nhỏ chứ không phải là mỗi lần nhấc lên là cạn tới đáy cái ly nửa lít.
- Người xưa có câu “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Rõ ràng, rượu giữ vị trí khá quan trọng trong đời sống phải không, thưa GS?
- Ngoài miếng trầu và ấm trà, rượu được xem là một phần tất yếu của đấng mày râu dùng để tiếp đãi bạn, đãi khách. Nhưng cũng chỉ trong các nhà khá giả thời xưa, còn nhà nghèo khó thì không có. Như nhà tôi xưa, khi tôi còn nhỏ, ông nội tôi, một trong những anh khóa dự khoa thi cuối cùng của chế độ phong kiến, về làng, ông cụ làm ông đồ, ai đến học thì dạy, học trò có gì biếu đấy, chứ không có tiền. Tôi thấy ông cụ mỗi bữa ăn đều có 1 chén rượu, chỉ thế thôi. Thỉnh thoảng bạn bè đến nhà cũng có rượu, nhưng hiếm, chỉ là trà, nước.
Uống rượu có văn hóa và điều độ còn tốt cho sức khỏe. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng dạy rằng: “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh nhất trản trà/ Nhật nhật ư như thử/ Lương y bất đáo gia” (Tạm dịch: Buổi tối uống ba chén rượu/ Sáng ra uống ấm trà/ Ngày nào cũng như vậy/ Thầy thuốc khỏi đến nhà). Tuy nhiên, không thể không nói đến mặt trái của việc uống rượu. Một khi con người lạm dụng rượu thì rượu sẽ gây ra tác hại khôn lường, trước hết là làm hại sức khỏe và làm mất tư cách con người khi say rượu. Không ít trường hợp mượn rượu để làm những điều tệ hại, phô trương thói hợm hĩnh, trưởng giả. Hoặc say rượu thường dẫn đến gây gổ, ẩu đả, làm mất trật tự và an ninh xã hội. Lại có những người uống rượu một cách lãng phí xa hoa. Uống rượu như vậy là thái độ ứng xử thiếu văn hóa đối với rượu.
MAI AN