Phát biểu trước Quốc hội liên bang ngày 23-3, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định trong ngắn hạn, nước Đức không thể loại bỏ nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Theo ông Scholz, các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân Đức, không chỉ vì giá nhiên liệu tăng cao. Ông khẳng định Chính phủ Đức hành động theo nguyên tắc các lệnh trừng phạt không được gây tổn hại cho các quốc gia châu Âu nhiều hơn so với Nga.
Theo người đứng đầu Chính phủ Đức, nếu loại bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga, "hàng trăm nghìn việc làm sẽ gặp rủi ro, toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ đứng trước bờ vực", và điều đó sẽ đẩy Đức và toàn bộ châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái.
Về đề xuất giảm giá xăng dầu, Thủ tướng Scholz cho biết ông không ủng hộ đề xuất này. Ông khẳng định sẽ không có sự đảo lộn các cơ chế thị trường hoặc trợ cấp dài hạn, đặc biệt là đối với nhiên liệu hóa thạch.
Theo người đứng đầu chính phủ Đức, điều này sẽ không bền vững về mặt tài chính và sai về mặt sinh thái. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định nhà nước sẽ tăng gói cứu trợ cho người dân do giá năng lượng cao. Bên cạnh đó, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Liên quan đến việc Nga cung cấp nhiên liệu cho các nước châu Âu, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 23-3 tuyên bố chính phủ nước này không ủng hộ bất kỳ các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga bởi điều này sẽ đe dọa đến an ninh năng lượng của Hungary.
Ngoại trưởng Szijjarto tái khẳng định lập trường của Hungary trong bài phát biểu tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Ông Szijjarto nhấn mạnh dầu mỏ và khí đốt của Nga đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung năng lượng của Hungary cũng như toàn bộ khu vực châu Âu.