Theo thông báo, trong vòng 9 tháng (từ tháng 3-2017 đến tháng 2-2018), Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Bộ VH-TT-DL Việt Nam đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Đức và các cơ quan liên quan tiến hành xác minh nguồn gốc hiện vật, cung cấp cơ sở pháp lý và hoàn thiện các thủ tục để hoàn trả hiện vật về Việt Nam.
18 hiện vật được bàn giao gồm 10 hiện vật chất liệu đá, 8 hiện vật chất liệu đồng, là công cụ sản xuất và vũ khí của người xưa. Trong đó, có 5 hiện vật văn hóa Đồng Nai cách nay 4.000 - 3.500 năm; 5 hiện vật thời hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí Tây Nguyên cách nay 4.000 - 3.500 năm; 8 hiện vật văn hóa Đông Sơn cách nay 2.500 - 2.000 năm.
Đây là hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đức trong việc thực hiện Công ước của UNESCO năm 1970 về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xuất nhập cảnh và buôn bán trái phép các tài sản văn hóa mà Việt Nam và CHLB Đức là thành viên, đồng thời tuân thủ luật pháp về di sản văn hóa của hai nước.
Theo kế hoạch, sau khi tiếp nhận sưu tập hiện vật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ hoàn thiện hồ sơ khoa học, lưu giữ, bảo quản, có kế hoạch từng bước trưng bày, phát huy giá trị, giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước.