Đức tính nghĩa tình thành nét văn hóa đặc trưng của người dân TPHCM

Nhấn mạnh đến 10 năm tổ chức Nghị quyết 33, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhận định, nổi bật nhất ở TPHCM là tấm lòng nhân ái, truyền thống tương trợ. Điều này được thể hiện rõ nét trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Ngày 20-5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tại TPHCM.

Tiếp đoàn có đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Phong trào, hoạt động văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu

Theo Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 và Chương trình hành động 45 của Thành ủy TPHCM, nhận thức về vai trò của văn hóa trong đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, về trách nhiệm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân TPHCM được nâng lên.

0-02-06-c8ac7b009e4ac18aafc013b2d7b069e229a0e956ddaa7420ec6919492ba8bcb3_25e45d0bb21.jpg
Quang cảnh buổi tiếp đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Điều này thể hiện rõ nét trong nhận thức và hành động, xây dựng con người được xem là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược và quyết định trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh phù hợp với vai trò, vị trí của một đô thị đặc biệt.

Truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM cũng như lòng nhân ái, tình yêu thương đồng bào, đồng chí được tiếp tục vun đắp và phát triển. Đức tính nghĩa tình từng bước trở thành nét văn hóa phổ biến, đặc trưng của người dân TPHCM.

Thuận.jpg
Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận báo cáo với đoàn kiểm tra. Ảnh: VIỆT DŨNG

Công tác xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa đạt kết quả quan trọng, đời sống văn hóa ở cơ sở được cải thiện, nâng cao. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người tốt việc tốt; góp phần xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, sinh động trong đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội TPHCM.

Hoạt động văn học, nghệ thuật phong phú, sôi động, có nhiều sáng tạo, giữ gìn và phát triển văn học, nghệ thuật cách mạng đương đại, tiếp thu tiến bộ, phát huy chủ nghĩa yêu nước, nhân văn. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được củng cố…

0-02-06-2def6f4f5588087a0d670c9ca40276484aebd733f48423ddff85b7005f9de294_25e45c62289.jpg
Phó Giám đốc Sở TT-TT Nguyễn Ngọc Hồi thông tin với đoàn công tác về công tác tuyên truyền Nghị quyết 33. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dù vậy, TPHCM nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong triển khai Nghị quyết 33. Đó là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân chưa đảm bảo mục tiêu xuyên suốt, thiếu chủ đề hàng năm trong việc thực hiện Nghị quyết 33. Thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất còn yếu và thiếu, chưa đồng bộ. Hoạt động văn hóa - nghệ thuật chưa phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng các giá trị chuẩn mực văn hóa - xã hội. Trong khi đó, ngoại giao văn hóa mới dừng lại ở bước khởi nguồn, chưa khai thác được hết nguồn lực rộng lớn từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

TPHCM kiến nghị Trung ương nghiên cứu, cho phép TPHCM thực hiện cơ chế thí điểm chính sách pháp luật như: thu hút nhân tài, chính sách đãi ngộ người có tài năng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Cần có các chính sách, cơ chế đồng bộ từ Trung ương như phụ cấp tập luyện, biểu diễn, ưu đãi đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống…

Trong khó khăn, tình đoàn kết, tương hỗ bật lên mạnh mẽ

Chia sẻ thêm với đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải thông tin, là địa phương thu hút đông học sinh, sinh viên, người dân các tỉnh thành về sinh sống, học tập và làm việc, TPHCM trở thành nơi hội tụ, hội nhập văn hóa từ mọi vùng miền. Mặt khác, TPHCM cũng là nơi tiếp nhận mạnh mẽ văn hóa từ các nước hội nhập đến Việt Nam.

Vì thế, làm sao vừa tiếp nhận các nét văn hóa hội nhập, vừa chống lại văn hóa ngoại lai là thách thức khá lớn của TPHCM.

0-02-06-e653a3f1b0f90746d9d59c79201a5c7b5812ff63782962eac5d48c7e8774877a_25e45c69ab8.jpg
Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí cũng nhìn nhận, thời gian qua, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, trong đó có người lao động từ các tỉnh, thành đến TPHCM còn gặp nhiều khó khăn. Việc đưa quá trình hình thành và phát triển cũng như văn hóa TPHCM ra nước ngoài còn hạn chế.

Hiện, TPHCM tiếp tục tìm giải pháp để quảng bá hình ảnh, văn hóa của đất nước và TPHCM đến với bạn bè quốc tế. TPHCM cũng đặt quyết tâm đến dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ có các công trình văn hóa xứng tầm.

0-02-06-9f061ff089f69667f5c5b338e330128d332ae8b7ee43991c19e82db2923776e4_25e45d0af3f.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM phát biểu tại buổi kiểm tra của Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhấn mạnh đến 10 năm tổ chức Nghị quyết 33, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho rằng, nổi bật nhất ở TPHCM là tấm lòng nhân ái, truyền thống tương trợ. Điều này được thể hiện rõ nét trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

“Trong lúc khó khăn nhất, nét văn hóa đoàn kết, tương hỗ, san sẻ máu thịt đã thể hiện rất rõ nét ở TPHCM, không đồng tiền nào đầu tư mà ra được”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải bày tỏ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, thời điểm đó, tấm lòng của người dân từ các địa phương gửi đến với TPHCM và người dân trong thành phố đối xử với nhau đầy nghĩa tình.

“Đây là những tình cảm mà có lúc, có nơi bị phai nhạt bởi kinh tế thị trường, song trong lúc khó khăn, tình cảm ấy lại được bật lên, rất quý giá. Điều này thể hiện nét văn minh, tình đoàn kết ở thành phố mang tên Bác”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhận xét, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33, TPHCM đã đạt được một số dấu ấn quan trọng, cho thấy Thành ủy TPHCM rất quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết.

0-02-06-a3df82cb3931aa11716d985fbd0d0227c5e3d133392412a458e879dd315df277_25e45c5e531.jpg
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ những mặt được và hạn chế mà TPHCM đã nhận diện, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị TPHCM tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động, các văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ. Thành ủy TPHCM cũng cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chú trọng bồi dưỡng, xây dựng đạo đức, lối sống gắn với việc học và làm theo Bác.

0-02-06-1ac2e1fe51e4a10498bdc205da3689bc00ec0bc5e9f81fff9edabaa748abeaa4_25e45e446d2.jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa; tăng cường hơn nữa công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, chú trọng xây dựng văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở. Triển khai các hệ giá trị văn hóa con người TPHCM gắn với triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tin cùng chuyên mục