Có khoảng 15 chủ đề được đưa ra thảo luận, trong đó có các vấn đề liên quan đến tài chính, thuế, kinh doanh, năng lượng, người nhập cư, hội nhập... Báo cáo về các cuộc đàm phán sẽ được công bố vào ngày 12-1, trong đó bao gồm nội dung và kết quả mà các bên sẽ thảo luận.
Sức ép đang dồn về Thủ tướng Angela Merkel bởi bà buộc phải dẫn dắt đàm phán đi đến thành công, nếu muốn tiếp tục giữ vai trò thủ lĩnh CDU-CSU cũng như chiếc ghế Thủ tướng Đức. Để trấn an dư luận, Thủ tướng Merkel cho biết các đảng sẽ làm việc một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để hoàn tất đàm phán. Hy vọng về bước đột phá mới trong việc đàm phán lập liên minh cũng nằm ở thái độ của SPD trong lần này. Mặc dù SPD bước vào các cuộc đàm phán lập chính phủ liên minh một cách tương đối miễn cưỡng do sức ép phải gánh vác trách nhiệm tháo gỡ thế bế tắc chính trị tại Đức, nhưng đảng này đã cam kết không đặt ra quá nhiều rào cản đối với CDU-CSU do vài năm gần đây, SPD đã tham gia chính phủ liên minh với CDU-CSU. Giới phân tích nhận định việc liên kết với SPD, đảng lớn thứ 2 của Đức, là sự “đặt cược” tốt nhất đối với bà Merkel để thành lập một chính phủ ổn định sau khi các nỗ lực thành lập liên minh với 2 đảng nhỏ hơn đã thất bại. Nếu các cuộc đàm phán lần này thành công, một chính phủ mới sẽ có thể được thành lập trước lễ Phục sinh. Nhưng nếu thất bại, nước Đức sẽ hoặc phải đối mặt với các cuộc bầu cử mới, hoặc lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến 2 sẽ phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong lúc Thủ tướng Merkel nỗ lực xúc tiến thành lập một chính phủ đại liên minh thì người Đức lại tỏ ra kém mặn mà với ý tưởng này. Chỉ hơn một nửa người Đức ủng hộ, trong khi số người không ủng hộ đã gần chạm ngưỡng một nửa. Một cuộc thăm dò khác cho thấy hơn 50% người Đức muốn bầu cử lại. Theo giới quan sát, lý do là người Đức không muốn chính phủ của mình hoạt động kém hiệu quả, phải luôn tìm cách vận động các nghị sĩ đối lập mỗi khi muốn tạo ra một chính sách mới. Chính bà Merkel cũng nhiều lần khẳng định không muốn điều hành một chính phủ thiểu số, đặc biệt là sau khi được đàm phán với 2 đảng nhỏ khác bất thành hồi tháng 11.
Do bế tắc trong đàm phán thành lập liên minh nên uy tín của Thủ tướng Merkel cũng suy giảm. Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng nên xem xét lại việc giới hạn nhiệm kỳ thủ tướng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Thomas Oppermann đã đề xuất giảm bớt thời gian tại nhiệm của thủ tướng nước này xuống còn 8 hoặc 10 năm liên tục. Hơn 12 năm cầm quyền tại Đức, đây có lẽ là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất mà nhà lãnh đạo đang giữ vai trò quan trọng ở châu Âu phải đối mặt. Sâu xa hơn, sự ổn định của Đức còn góp phần giúp châu Âu vững vàng hơn trước những khó khăn mới vì các mục tiêu cần cải cách đang chờ đón trong năm 2018. Cũng chính vì lợi ích của châu Âu, nước Đức cần phải thành lập một chính phủ mới càng sớm càng tốt.