Ngoại giao xây dựng
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif và gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 9-6. Truyền hình Đức DW dẫn lời Ngoại trưởng Maas hy vọng các cuộc gặp sẽ giúp cả hai bên tìm ra “cách xây dựng” để duy trì thỏa thuận. “Cuối cùng, Iran cũng phải có nhu cầu chính trị để đảm bảo rằng thỏa thuận này tồn tại trong tương lai”, ông Maas nói.
Nguy cơ chiến tranh ở vùng Vịnh đang khiến mọi người lo lắng. Trong những tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran như một phần của chiến dịch “áp lực tối đa”. Washington tuyên bố Iran đang lên kế hoạch nhằm vào các mục tiêu của Mỹ trong khu vực và hiện đang tranh chấp với Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Trong khi đó, “sự kiên nhẫn chiến lược” của Iran đang tăng lên: Tehran tuyên bố kể từ ngày 7-7, Tehran sẽ không còn quan tâm đến các điều khoản của JCPOA, trừ khi các quốc gia châu Âu có thể tìm ra một cách hiệu quả để khuyến khích Iran ở lại.
Tuy nhiên, theo Reuters, kênh truyền hình quốc gia ngày 10-6 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho rằng, cho tới nay, Iran chưa nhận thấy các bước đi thiết thực và cụ thể từ các đối tác châu Âu để đảm bảo lợi ích của Iran... Tehran sẽ không thảo luận bất kỳ vấn đề nào nằm ngoài JCPOA.
Tăng nỗ lực hòa giải
Ngoại trưởng Đức cho biết sẽ cố gắng thuyết phục Iran ngừng lời đe dọa hủy bỏ JCPOA theo tối hậu thư vào ngày 7-7. Ông Maas sẽ ủng hộ một thời gian cụ thể cho INSTEX - một kênh thanh toán được Anh, Pháp và Đức thiết lập vào đầu năm 2019 để giúp Iran vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi INSTEX hoạt động, ông Maas không thể buộc các công ty Đức quan hệ kinh doanh với Iran vi họ sợ bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, kế hoạch của Ngoại trưởng Đức không được Mỹ ủng hộ.
Trong khi đó, Iran đang tìm kiếm những cách thiết thực thoát khỏi áp lực của Mỹ. Giá trị đồng tiền của Iran đã giảm 2/3 kể từ khi lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng lại vào năm 2018. Lạm phát đang tăng vọt, Iran bị cô lập khỏi hệ thống tài chính thế giới. Chuyến thăm của ông Maas tới Tehran đang diễn ra giữa áp lực cao của Mỹ với Iran. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Iran đã từ chối thảo luận về các chủ đề không liên quan, như vai trò của Iran trong khu vực hoặc chương trình tên lửa của nước này, mô tả đây là những vấn đề “không liên quan”.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran. Ông cũng đã âm thầm hạ thấp các mục tiêu trong chính sách trừng phạt của Mỹ với Iran và cho biết muốn ngăn Iran phát triển bom nguyên tử. Sau khi đưa một tàu sân bay và đội máy bay ném bom tới vùng Vịnh, nhiều nỗ lực ngoại giao khác nhau hiện đang được thực hiện. Sau khi ông Maas rời đi, Thủ tướng Shinzo Abe tới Tehran để làm trung gian hòa giải trong một nỗ lực ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh các hoạt động này. Iraq và Oman, cả hai đều có quan hệ chặt chẽ với Mỹ và Iran, cũng sẽ tìm cách đóng vai trò trung gian hòa giải. Mục tiêu hàng đầu của họ là đưa Mỹ và Iran tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp. Về lâu dài, theo các nhà phân tích, cần có một thỏa thuận về khuôn khổ an ninh chung, đáp ứng lợi ích của tất cả các chủ thể tham gia, bao gồm cả Iran và Saudi Arabia.