Để đẩy mạnh kế hoạch này, Thủ tướng Đức Angela Merkel với đại diện các doanh nghiệp và các tổ chức công đoàn cùng ký thỏa thuận về một loạt biện pháp nhằm đưa nền kinh tế hàng đầu châu Âu trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài.
Theo đó, các doanh nghiệp Đức sẽ hỗ trợ đào tạo tiếng Đức những người lao động mới và tìm chỗ ở cho họ, cũng như tạo thêm nhiều công việc hơn phù hợp với người lao động nước ngoài. Chính phủ Đức cũng cam kết đẩy nhanh quá trình cấp thị thực để người lao động có thể nhanh chóng bắt đầu công việc của mình cũng như công nhận các chứng chỉ và bằng cấp nước ngoài một cách dễ dàng hơn.
Đặc biệt, chính phủ cũng cho ra mắt cổng thông tin “Make it in Germany” bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó hỗ trợ và cung cấp thông tin toàn diện về cuộc sống cũng như việc làm ở Đức. Với cổng thông tin này, những chuyên gia có trình độ và người lao động có tay nghề cao không chỉ ở Đức mà còn ở các nước ngoài EU có thể tìm kiếm các vị trí tuyển dụng phù hợp cũng như các thông tin quan trọng liên quan đến thủ tục nhập cảnh, xin thị thực và quy trình xin việc ở Đức...
Kế hoạch trên nhằm hỗ trợ luật mới về lao động lành nghề di cư có hiệu lực từ ngày 1-3-2020, nới lỏng quy định cho các lao động lành nghề. Theo đó, những người có tay nghề và trình độ tiếng Đức tốt đều có thể tới Đức tìm việc làm (trong 6 tháng) ngay cả khi họ chưa có hợp đồng lao động. Chính phủ Đức kỳ vọng luật mới về lao động di cư sẽ thu hút được ít nhất 25.000 người tới Đức mỗi năm.
Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực các ngành kỹ thuật, thủ công, xây dựng, y tế và phát triển phần mềm. Năm 2018, Chính phủ Đức đã đưa ra một chiến lược về lực lượng lao động, tập trung vào 3 nhóm gồm lực lượng trong nước Đức, từ châu Âu và nước thứ 3. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn nhân lực trong nước không thể đảm bảo, xu hướng người châu Âu di cư giảm, Berlin giờ đây phải tập trung vào nhóm nhân lực thứ 3, trong đó tập trung vào khu vực châu Á và Nam Mỹ, trong đó có Mexico, Philippines, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục và nghiên cứu Đức (BMBF) công bố các số liệu cho biết ngày càng nhiều lao động nước ngoài lành nghề xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Đức, theo đó, số hồ sơ xin cấp đã tăng 16% lên mức 29.000 vào năm 2018. Hơn một nửa số lao động đệ đơn đã được cấp chứng nhận được đào tạo hoặc theo học và được cấp chứng chỉ hành nghề theo luật pháp Đức.
Theo BMBF, năm 2018, hầu hết đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Đức thuộc các nghề như y tá, bác sĩ, vật lý trị liệu và quản lý. Tiến trình phê duyệt cấp chứng chỉ hành nghề quốc tế tại Đức đã được áp dụng từ năm 2012 với mục đích giảm các hàng rào quan liêu và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề trong nước. Từ năm 2012, hơn 280.000 hồ sơ đã được chấp nhận và cấp chứng chỉ, nhưng nhu cầu về lao động lành nghề tại Đức vẫn rất cao.