Đừng bao giờ thay đổi một đội hình chiến thắng. Đấy là triết lý để giúp bạn tránh đặt cuộc sống của mình trước rủi ro không cần thiết khi bản thân đã có lộ trình thành công. Với Joachim Loew và đội tuyển Đức, thay đổi là cả một định mệnh mà họ buộc phải lựa chọn.
Thực tế thì Đức vẫn là đội bóng giàu tài năng, có chiều sâu đội hình tốt nhất tại World Cup lần này. Với những Oezil, Goetze, Kroos, Schurrle, Schweinsteiger, Mueller… ông Joachim Loew có những con người đủ khả năng thay đổi cục diện trận đấu ở thời điểm khó khăn nhất. Bất kỳ HLV nào sở hữu đội hình tài năng đến như vậy thì sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện thay đổi, bởi như vậy khác nào đánh cược với số mạng của mình.
Vậy mà Loew vẫn cố gắng thử nghiệm, ngay cả thứ đã định hình từ năm 2006 đến nay như vị trí của Philipp Lahm chẳng hạn. Loew đẩy Lahm vào giữa, đá như một tiền vệ trung tâm để tăng chất thép cho khu trung tuyến trước sức công của đội tuyển Pháp. Ông cũng bất ngờ để Goetze ngồi dự bị và đưa Klose đá ngay từ đầu. Không có HLV nào dám liều lĩnh đặt cược vào “lão tướng” Klose như Loew bởi ai cũng biết, Klose đến Brazil lần này như một con bài chiến lược hơn là vị trí cần phải có trong đội hình.
Cách tiếp cận trận đấu ấy đã giúp Đức ghi bàn ngay ở cơ hội đầu tiên đưa bóng về khung thành của Pháp. Suốt thời gian còn lại của trận đấu, Đức chỉ có thêm 2 lần sút cầu môn nữa. Họ chiếm 59% thời lượng kiểm soát bóng trong hiệp một nhưng nhường cho Pháp đến 60% trong hiệp hai. Mọi thứ khác hoàn toàn so với trận đấu trước đó với Algeria, khi mà họ chiếm lĩnh toàn bộ trận đấu nhưng chỉ thắng trong những phút cuối của hiệp phụ.
Chúng ta có thể nói Đức rút kinh nghiệm từ bài học đó để trở nên thực dụng hơn tại tứ kết, và cũng có thể nói đấy chỉ là một gương mặt khác của họ trong một đội tuyển Đức đa diện mà Joachim Loew đã chuẩn bị để chinh phục cúp thế giới lần này?
o0o
Hồi năm 2006, bộ đôi Klinnsman - Loew đã giới thiệu cho thế giới 1 đội tuyển Đức mới mẻ, tinh khiết và hào hoa. 8 năm trôi qua, người ta thấy Loew vẫn miệt mài tìm sự đổi mới nơi đội tuyển và trận đấu với Pháp chỉ ra Loew đã tìm được bí quyết để có thể thắng World Cup, hòng thay đổi những sự tiếc nuối mà người Đức đã nếm trải tại World Cup và Euro từ đó đến nay.
Giới bình luận quốc tế cho rằng, Đức là đội bóng đang giữ hình bóng của tiki-taka mà Tây Ban Nha để lại ở World Cup 2014. Với những tiền vệ có kỹ năng giữ bóng tuyệt hảo, tỷ lệ chuyền bóng của Đức đang cao nhất. Nhưng Đức cũng là đội bóng đã khai tử khái niệm về số 9 trên sân bóng, khi tiền đạo duy nhất mà họ đem đến Brazil lại là một “lão tướng”, đóng vai trò “dự bị chiến lược”.
Không có một tiền đạo thực thụ nhưng Thomas Mueller lại đang tranh đua danh hiệu Vua phá lưới dù vị trí của anh là tiền vệ. Cách chơi của đội tuyển Đức trở nên cực kỳ khó đoán khi nó không định hình rõ ngay từ đầu mà tùy từng trận đấu, họ mang một sắc thái khác. Điều đó phản ảnh theo thành tích của họ. Họ vào bán kết nhưng thật khó nói họ đang tiến bộ hay thụt lùi.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Đức của các năm 2006, 2010 và bây giờ chính là đội “già giơ” trong cách chơi. Không có những cuộc phiêu lưu triền miên trên hàng công, khi cần Đức vẫn có thể phòng thủ chịu trận để bảo vệ tỷ số.
Joachim Loew có thừa kinh nghiệm cũng như sự cay đắng khi thất bại để biết cách giấu cái chất quỷ dữ bên trong hình ảnh thiên thần vẫn hay được nhìn thấy.
Việt Tâm