Đưa Việt Nam thành cường quốc về CNTT

Ngày 8-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Bộ TT-TT. Cùng dự có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ TT-TT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ TT-TT

Phát triển mạng xã hội Việt

Tại buổi làm việc, quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo những nội dung cơ bản về hoạt động của Bộ TT-TT trong thời gian qua, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là công nghệ và tuyên truyền. Trong đó, ở lĩnh vực viễn thông, gần 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ cáp quang hóa cao nhất thế giới. Sóng di động đã phủ tới 99,5% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ 98% dân số); hình thành xa lộ thông tin kết nối với toàn thế giới (băng thông quốc tế 6 Tbps). Trong giai đoạn tới, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhu cầu kết nối, hạ tầng viễn thông của Việt Nam đã sẵn sàng cung cấp kết nối dung lượng, chất lượng cao đáp ứng cho ứng dụng IoT trên nền tảng mạng 4G, 5G. Trong lĩnh vực CNTT, với trên 28.000 doanh nghiệp CNTT, 900.000 lao động, đây là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, đạt tăng trưởng trên 20%/năm trong hơn 10 năm qua.

Tại buổi làm việc, quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắc nhiều tới việc xây dựng những mạng xã hội “Made in Vietnam” để cạnh tranh với các “ông lớn” như Google, Facebook. Hiện nay, doanh thu quảng cáo mạng xã hội trên 370 triệu USD. Tuy nhiên, phần lớn thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại như Google đạt 135 triệu USD với 35 triệu người dùng, Facebook trên 230 triệu USD với 60 triệu người dùng. Trong khi đó, thị phần của doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ với 436 mạng xã hội trong nước nhưng ngay đơn vị có tên tuổi nhất với 40 triệu người dùng thì doanh thu cũng chỉ đạt 7 triệu USD. Mạng xã hội nước ngoài hiện chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam về thuế, yêu cầu về thanh toán, an ninh... Bộ TT-TT đề xuất một số chính sách ủng hộ mạng xã hội Việt Nam, mục tiêu là đến năm 2022 bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60% - 70% thị phần. Cùng với việc phát triển mạng xã hội Việt, Bộ TT-TT cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong tốp 10 nước về phát triển sinh thái số, với 60% - 70% người dân dùng hệ sinh thái nội mà trọng tâm là mạng xã hội Việt Nam. Hệ sinh thái số bao gồm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus, trong đó quan trọng nhất là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm. Việc xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam sẽ huy động chủ yếu các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, không nhất thiết là công ty nhà nước nhưng phải là doanh nghiệp Việt.

Nhanh chóng số hóa quốc gia

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Bộ TT-TT trong phát triển lĩnh vực quản lý để đóng góp vào khát vọng của dân tộc trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ. Thủ tướng nhìn nhận trong thời gian qua, ngành CNTT và truyền thông tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP, tăng đến 18% về doanh thu. Cùng với đó, báo chí cách mạng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Ngành CNTT có nhiều nhân tài, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, trong đó có tập đoàn “tỷ USD”…

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn tồn tại một số mặt hạn chế, yếu kém như triển khai quy hoạch báo chí chậm. Quản lý báo chí, mạng xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục, tác động tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Thông tin phản bác, xử lý khủng hoảng truyền thông chưa kịp thời. Việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ (tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới). Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao, là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện, nhưng còn lúng túng, bị động trong việc khắc phục.

Thủ tướng chỉ đạo, để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, cần số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt. Chuyển đổi số phải là nền tảng đi sâu vào mọi ngành, lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp của cả khu vực công và tư. Bộ TT-TT phải giữ vai trò dẫn dắt công tác này, đi đầu trong đổi mới tư duy, thử nghiệm những cách làm mới, chủ động đề xuất cơ chế chính sách có tính đột phá, cùng các bộ, ngành liên quan tích cực hợp tác, hỗ trợ để nước ta có thể trở thành một trong những nước đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT-TT là công tác quản lý báo chí. Bộ cần khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý báo chí, thông tin điện tử và mạng xã hội. Có giải pháp hiệu quả để giám sát, quản lý các mạng xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phân tích dự báo xu thế thông tin và những vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo để nước ta chuyển từ nước nhập khẩu thành nước sản xuất các sản phẩm này, từ nước gia công phần mềm cho nước ngoài thành nước phát triển phần mềm. Ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm CNTT “Made in Vietnam”, đưa nước ta thành cường quốc về CNTT, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Công nghiệp CNTT không chỉ sản xuất các sản phẩm dân dụng mà còn phục vụ quốc phòng, an ninh như vệ tinh viễn thám, radar, thiết bị bay không người lái, hệ thống chỉ huy điều khiển…

Tin cùng chuyên mục