Đưa vào sử dụng gần 100.000 ha đất dự án “treo”

Tình trạng công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục còn nhiều, phổ biến 1-2 năm. Cá biệt có dự án 15 năm vẫn chưa triển khai. 

 

 

Tình trạng đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương
Tình trạng đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương

Đoàn Giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" gửi Quốc hội. Đây là 1 trong 2 chuyên đề Quốc hội sẽ giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 4 tới đây.

Đề cập việc quản lý, sử dụng đất đai, đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận, nhiều địa phương đã xử lý, thu hồi được nhiều dự án “treo”, đưa vào sử dụng gần 100.000 ha đất dự án chậm triển khai. Trong đó, Ninh Bình thu hồi 725 dự án treo sau 3 năm không triển khai, diện tích 1.795 ha. Tương tự, Đồng Nai thu hồi 376 dự án, diện tích 3.875 ha...

Các địa phương cũng thu hồi quỹ đất đã giao, cho các doanh nghiệp thuê nhưng bị giải thể, phá sản... để hạn chế thất thoát, lãng phí đất đai, với tổng diện tích thu hồi gần 34.136 ha. 

Tình trạng giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Theo số liệu thống kê, 5 năm qua có 6.225 dự án được Nhà nước giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, tổng diện tích 30.849 ha. Nhiều dự án trong số này chậm đưa đất vào sử dụng hoặc dự án đã khai thác nhưng hiệu quả thấp, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí đất đai. Thậm chí, nhiều dự án tình trạng hoang hóa kéo dài hàng chục năm. Chẳng hạn, giai đoạn 2016-2020 Bình Dương có 3.086 ha đất chuyển mục đích trái phép.

Bên cạnh đó, giao đất có thu tiền, cho thuê đất qua đấu giá quyền sử dụng thực hiện còn hạn chế. Hầu hết các dự án đấu thầu nhưng chỉ có một nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia, trong khi nhiều nhà đầu tư lại hạn chế về nguồn lực.

Việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư... cũng còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời tháo gỡ. Trong đó, rất nhiều dự án có diện tích đất công xen kẹt đang chậm tiến độ, không đủ điều kiện cấp phép xây dựng.

Đoàn giám sát cũng chỉ ra, cơ chế tự thoả thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc. Các công trình, dự án chậm triển khai chủ yếu do tiến độ thu hồi đất (khoảng 70% số dự án chậm đưa đất vào sử dụng).

"Việc chậm triển khai dự án không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, còn gây thất thu ngân sách Nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất", báo cáo nêu.

Tình trạng đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Tình trạng công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục còn nhiều, phổ biến 1-2 năm. Cá biệt có dự án Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Đông Nam bộ (tại TP Vũng Tàu) do TW Hội Nông dân Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này diện tích trên 2,1 ha đã được tỉnh bàn giao đất cho chủ đầu tư từ năm 2007 theo hình thức không thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau 15 năm, dự án chưa xây dựng, chưa đưa vào sử dụng.

Tin cùng chuyên mục