Đưa văn hóa trà Việt thành ngành công nghiệp văn hóa

Chiều 1-12, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực TP Đà Nẵng phối hợp các đơn vị liên quan lần đầu tổ chức tọa đàm văn hóa trà Việt. 

Giới thiệu mô hình, sản phẩm trà (chè) dây Hòa Bắc. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Giới thiệu mô hình, sản phẩm trà (chè) dây Hòa Bắc. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Với chủ đề “Mở cánh cửa trà Việt”, người tham dự bước vào hành trình khám phá tinh hoa trà Việt, nơi các câu chuyện về nghệ thuật pha trà, thưởng trà hòa quyện với những xu hướng phát triển sáng tạo của trà trong đời sống đương đại. Đây là dịp tìm hiểu việc kết hợp trà với du lịch và các hoạt động văn hóa khác sẽ là những bước đi quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.

DSC00240.JPG
Để trà Việt trường tồn, cần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hiểu và yêu mến trà, từ đó biết cách thưởng thức trà một cách tinh tế và trọn vẹn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, trà không chỉ là thức uống, mà còn là biểu tượng của sự tinh tế, triết lý sống và truyền thống gìn giữ cội nguồn.

Ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực TP Đà Nẵng, cho rằng dù trải qua bao thăng trầm, trà Việt luôn là phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt, tiếp tục lan tỏa hương vị của sự kết nối, của những giá trị truyền thống và của một nền văn hóa giàu đẹp. Văn hóa trà thúc đẩy sự bảo tồn di sản văn hóa, là sự vươn mình của trí tuệ, sự kết nối các nguồn lực, đa văn hóa của quốc gia.

DSC00246.JPG
Hiểu rõ được văn hóa trà Việt vừa góp phần bảo tồn được văn hóa của người Việt Nam, vừa tạo động lực phát triển kinh tế. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Thông qua trà, chúng ta tạo sự thấu hiểu giữa con người với con người, từ đó tổng hợp sức mạnh, trí tuệ của người Việt Nam. Không chỉ bảo tồn tài sản, đặc sắc dân tộc mà chúng ta tạo ra môi trường mới không chỉ văn hóa phát triển con người mà còn tạo ra một ngành công nghiệp văn hóa, từ đó tạo ra những nhà sản xuất về trà, những doanh nhân về trà, những tập đoàn có thể sử dụng văn hóa là câu chuyện để bán những mô hình tri thức, trí tuệ thậm chí bán những mô hình công nghệ liên quan công nghiệp văn hóa trà”, ông Lý Đình Quân chia sẻ.

DSC00263.JPG
Một số doanh nghiệp, công ty trà Việt giới thiệu sản phẩm tại ngày hội. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại xã Hòa Bắc, trà (chè) dây Hòa Bắc đã tạo nên bản sắc, nét văn hóa đặc trưng cũng như giúp giúp nhiều người đồng bào Cơ Tu ở xã Hoà Bắc có nguồn thu nhập ổn định.

Theo anh Lê Anh Tú, chủ cơ sở kinh doanh trà dây Hoà Bắc (thôn Nam Mỹ, xã Hoà Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), ngày trước người Cơ Tu đi phát rẫy, lên rừng săn bắn, thấy loại cây này mọc dại liền bứng cả gốc lẫn ngọn về phơi khô. Cành và lá trà dây phơi khô nấu nước uống rất tốt cho sức khỏe, được y khoa xác định có công dụng chữa bệnh dạ dày, kháng viêm, ăn ngon, dễ ngủ,… Sau đó, anh Tú bắt tay vào tìm hiểu cách trồng, chăm sóc loài cây đặc biệt này trong một thời gian dài. Cũng từ cây trà dây, địa phương đang khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

“Nhiều sản phẩm nông nghiệp được gắn kết với du lịch thông qua các homestay, vườn mẫu, thậm chí qua các quán ăn trên những con đường làng, ngõ xóm. Nếu đến homestay, du khách sẽ thấy và mua những sản vật địa phương đặc trưng như các túi trà dây được gom góp được từ các hộ dân trong thôn bày bán trên kệ. Thậm chí, họ còn nhờ vả mua thêm giúp họ các sản phẩm ngon, sạch, lành về miền xuôi làm quà”, anh Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nói.

DSC00268.JPG
Chương trình văn hóa trà Việt lần đầu được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nhìn nhận Đà Nẵng không có nhiều tiềm năng về vùng trồng trà, nhưng theo ông Nguyễn Lê Uyên Viễn, Nghệ nhân trà, Nhà báo và Người sáng lập nhóm “Uống Trà Đi”, Đà Nẵng có thể hút khách đam mê trà, thưởng trà bằng những câu chuyện. Mới đây, từ khóa “Đà Nẵng” tiếp tục được tìm kiếm nhiều hơn sau khi tỷ phú Bill Gates có cuộc thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ (Bán đảo Sơn Trà). Nơi đây đã thu hút rất đông người dân và du khách đến tham quan, chụp hình. Vì vậy, Sở Du lịch Đà Nẵng dự kiến mở tour thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ như trải nghiệm của tỷ phú Bill Gates vào năm tới nhằm kích cầu du lịch địa phương. Hay ví dụ khác, Dubai là quốc gia không liên quan tới trà nhưng hiện tại là trung tâm kho vận trà lớn nhất trên thế giới. Đà Nẵng có thể tự tin phát triển khi sở hữu những lợi thế về hạ tầng dịch vụ vận chuyển, Đà Nẵng đóng vai trò như cửa ngõ vào miền Trung của du khách trong và ngoài nước; gắn với Huế và Quảng Nam “3 địa phương – 1 điểm đến” với nhiều câu chuyện lịch sử, câu chuyện văn hóa.

Tin cùng chuyên mục