Từ những nỗ lực cá nhân
Cả hai tác phẩm Biên sử nước (tên tiếng Anh - Water: A Chronicle) và Thang máy Sài Gòn (Elevator in Saigon) đều do dịch giả Nguyễn An Lý dịch sang tiếng Anh. Đặc biệt, vào năm ngoái, dịch giả Nguyễn An Lý đã nhận được Giải thưởng National Translation cho dịch phẩm Chinatown - tiểu thuyết của nhà văn Thuận do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2005. Hiện tại, Nguyễn An Lý được xem là dịch giả đầy uy tín khi đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm của các tác giả nổi tiếng thế giới sang tiếng Việt như Tay sát thủ mù, Con sẻ vàng, Chuyện người tùy nữ, Dạ khúc, Tàn ngày để lại…
Tương tự, Giáo sư Hà Mạnh Quân, một tên tuổi khá quen thuộc với đời sống văn chương Việt, đã và đang có những dự án dịch thuật đưa văn chương Việt ra nước ngoài. Vừa qua, Giáo sư Hà Mạnh Quân kết hợp cùng TS Võ Hương Quỳnh đã chọn dịch 22 truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam đã được xuất bản trong nước sang tiếng Anh và phát hành tại Mỹ, làm thành tập truyện có tên Longings (tạm dịch: Khát vọng). Trước đó, Giáo sư Hà Mạnh Quân cũng đã dịch các truyện ngắn của nhà văn Bảo Ninh và tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố cùng 18 truyện ngắn chọn lọc của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân... sang tiếng Anh.
Trong khi đó, thuộc thế hệ 9X, đang sống và làm việc tại London (Anh) nhưng Trần Thủy Thiên Kim lại có sự quan tâm đặc biệt đến văn chương Việt. Ngoài đồng sáng lập San Hô Books, mới đây, Thiên Kim còn cùng cộng sự sáng lập Major Books, một đơn vị xuất bản độc lập tại Anh. Vào tháng 10 tới, bản dịch Biên sử nước sẽ được Major Books phát hành tại Anh. Bên cạnh đó, một số tác phẩm khác như Những đứa trẻ chết già (Nguyễn Bình Phương), Song song (Vũ Đình Giang), Làm đĩ (Vũ Trọng Phụng), Truyện Kiều (Nguyễn Du, bản dịch của Nguyễn Bình)... đang được Major Books hoàn thiện những công đoạn cuối để phát hành.
“Văn học Việt có rất nhiều tác phẩm xuất sắc nhưng lại không có cơ hội để bạn bè quốc tế biết đến. Tôi muốn đưa văn học đương đại Việt Nam đến với thế giới nhiều hơn để mọi người biết được là nền văn học Việt Nam vẫn đang tồn tại, phát triển rất sôi động”, Trần Thủy Thiên Kim bày tỏ.
Thực tế cho thấy, văn học Việt được ra với nước ngoài trong thời gian gần đây chủ yếu vẫn đến từ những nỗ lực cá nhân, cả trong lẫn ngoài nước. Hiện vẫn chưa có một chiến lược cụ thể nào mang tầm quốc gia để có thể giúp câu chuyện mang văn học Việt ra nước ngoài đạt hiệu quả. Hơn 2 năm trước, Hội Nhà văn TPHCM đã ra mắt Hội đồng Văn học dịch gồm 3 thành viên: dịch giả Hiền Nguyễn, dịch giả Nguyễn Lệ Chi và dịch giả Dương Kim Thoa.
Thời điểm đó, việc ra đời của Hội đồng Văn học dịch được kỳ vọng góp phần thực hiện việc giới thiệu những tác phẩm văn chương của TPHCM nói riêng, văn học Việt Nam nói chung đến với người đọc của nhiều quốc gia. Về lâu dài góp phần nâng tầm văn học Việt Nam trong khu vực cũng như thế giới. Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng ở… hy vọng! Trong khi chưa đầy 2 năm, chỉ xét riêng Hàn Quốc, đã có rất nhiều tác phẩm được dịch và xuất bản tại thị trường Việt Nam: Cuộc hẹn với tử thi (Yoo Seong Ho), Con thỏ nguyền rủa (Chung Bora), Căn phòng của râu xanh (Hong Sun Ju), Mẹ sống cùng tôi (Bae Kyung Hee), Bếp sách làng Soyang (Kim Jee Hye), Thời gian của ma (Yi Jeong Kim), Người đọc suy nghĩ của ác quỷ (Kwon IL Yong, Ko Na Mu)…
Có mặt trong chương trình Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn của Hội Nhà văn TPHCM mới đây, dịch giả Lê Đăng Hoan cho rằng, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc. Các tác phẩm văn học Hàn Quốc vào Việt Nam hiện nay chỉ một số ít mang tính thương mại, còn chủ yếu vẫn là từ nguồn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Viện Dịch thuật văn học. “Rất khó để đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài nếu không có sự quan tâm của các cơ quan nhà nước. Nếu chúng ta có một cơ quan như viện dịch thuật, các tác phẩm tốt trong nước sẽ có nhiều cơ hội để đến với bạn bè thế giới”, dịch giả Lê Đăng Hoan cho biết.