Hiện nay, vaccine ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) - vaccine Qdenga đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam và đang được tiêm chủng dịch vụ. Trước tình hình dịch SXH tiếp tục diễn biến phức tạp, một số nghiên cứu về vaccine phòng ngừa SXH ở trong nước và quốc tế đang tiếp tục được phát triển, thử nghiệm để cung cấp thêm sự lựa chọn trong phòng chống dịch SXH cho người dân. Bởi, vaccine SXH được đánh giá là "vũ khí" mới trong công tác phòng chống dịch bệnh này, nhằm làm giảm số mắc và hạn chế các ca bệnh nặng hoặc tử vong do SXH.
Theo Bộ Y tế, việc đưa vaccine ngừa SXH vào chương trình tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, đó là bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có vaccine bảo đảm tiêm miễn phí cho dân. Cùng với đó, để đưa vaccine SXH vào chương trình tiêm chủng mở rộng cần có các đánh giá gánh nặng bệnh tật, tính an toàn, hiệu quả miễn dịch, cũng như xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu các yếu tố trên, sau đó sẽ trình Chính phủ nếu phù hợp. Đặc biệt, trước khi đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí cho người dân, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch thử nghiệm trong cộng đồng khoảng 2 năm.
Qua giám sát, tính từ đầu năm 2024 tới nay, cả nước ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp mắc SXH với 12 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 15,5%, số ca tử vong giảm 14 trường hợp.
Hiện nay, tại Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh SXH, nhưng tuýp virus lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Một người có thể mắc SXH nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.