Đưa vaccine phòng sốt xuất huyết về Việt Nam

Vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda (Nhật Bản) được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018, đến nay được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp, có hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%.

Vaccine phòng sốt xuất huyết có tên Qdenga của Takeda (Nhật Bản)
Vaccine phòng sốt xuất huyết có tên Qdenga của Takeda (Nhật Bản)

Ngày 20-9, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã ra mắt và triển khai tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda (Nhật Bản) cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn tại gần 200 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận vaccine này sau nhiều năm mong đợi và chứng kiến dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vaccine SXH của Takeda (Nhật Bản) được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5-2024. Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng với nhà sản xuất đã nỗ lực để sớm đưa về Việt Nam bởi đây là một trong những vaccine được mong đợi hàng đầu khi mỗi năm tại Việt Nam đều có các đợt bùng phát dịch lớn nhỏ khác nhau, gây hàng trăm ngàn ca mắc và hàng chục ca tử vong tại nhiều địa phương. Đặc biệt, bệnh ngày càng diễn biến dịch tễ phức tạp, không còn tính chu kỳ, việc kiểm soát muỗi truyền bệnh gặp nhiều khó khăn và điều trị SXH rất phức tạp, tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao nếu không phát hiện chính xác và điều trị kịp thời.

0 - Ra-mat-vac-xin-sot-xuat-huyet-tai-VNVC.jpg
Lần đầu tiên người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận vaccine này sau nhiều năm mong đợi

Vaccine này được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018, đến nay được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp. Với công nghệ hiện đại, vaccine có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus SXH gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Đặc biệt, vaccine có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc SXH, điều này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi hiện số người từng mắc SXH ít nhất một lần khá cao, với tình trạng lần mắc bệnh sau thường nặng hơn lần trước thì việc tiêm vaccine kịp thời giúp người bệnh được bảo vệ tốt sức khoẻ và tính mạng.

Vaccine SXH có lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, có thể tiêm đồng thời với nhiều vaccine khác tùy chủng loại. Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm vaccine tốt nhất trước 3 tháng và ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.

ThS-BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, những năm gần đây dịch tễ SXH đã thay đổi, không còn phát triển theo chu kỳ mà tăng đều hàng năm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân của tình hình này chính là do hậu quả của sự đô thị hóa và sự nóng dần lên của toàn cầu đã tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi phát triển mạnh. Việt Nam hằng năm có khoảng 200.000 ca mắc và hàng chục ca tử vong. Các nước có mô hình dịch tễ tương đồng Việt Nam như Brazil đã đưa vaccine vào tiêm chủng rộng rãi cho người dân.

3-Khach-tiem-vac-xin-sot-xuat-huyet-tai-VNVC.jpg
Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết

“Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy khi vaccine được đưa vào sử dụng đều giúp giảm số ca bệnh rõ rệt. Theo kết quả giám sát dịch tễ, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus gây bệnh SXH, vaccine dự phòng được cả 4 tuýp virus là cần thiết. “Việc triển khai tiêm vaccine SXH tại Việt Nam giúp ngành y tế dự phòng và người dân có thêm vũ khí phòng bệnh và đối phó với dịch SXH hiệu quả, bên cạnh biện pháp kiểm soát muỗi, lăng quăng và ngăn ngừa muỗi đốt còn gặp nhiều khó khăn”, BS Lê Hồng Nga đánh giá và lưu ý người dân vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch khác như chống muỗi bằng việc dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, ngủ mùng…

Theo dữ liệu của WHO, số ca mắc SXH đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, từ 500.000 ca vào năm 2000 lên hơn 5 triệu ca vào năm 2019. Tại Việt Nam, nếu trước đây, giai đoạn 1980-2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm, thì riêng giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 và năm 2022. Riêng năm 2022, cả nước có hơn 367.000 ca mắc, đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil.

Sốt xuất huyết – gánh nặng bệnh tật

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, SXH diễn biến khó lường và phức tạp, có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, trong đó các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm do SXH như: tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê…

Với phụ nữ mang thai, SXH có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu. Người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ gây nguy hiểm tính mạng. Nếu sống sót sau nhiễm SXH nặng có biến chứng, gần 70% bệnh nhân giảm khả năng lao động, hơn 50% người sống chung với triệu chứng bệnh như đau khớp, đau cơ, suy nhược, yếu tay chân, rụng tóc… đến 2 năm.

Tin cùng chuyên mục