Truyền thuyết kể lại chuyện anh chàng con nuôi Hùng Vương thứ 18 tên là Mai An Tiêm mắc tội ngạo mạn. Tự cho rằng những thứ có trong cung vua đều là vật tiền thân của anh ta cả. Dĩ nhiên chuyện đến tai vua làm ngài cả giận khôn cùng.
Trên toàn cõi Văn Lang làm gì có thứ gì không phải của Hùng Vương. Nhất là ngài còn được hưởng thừa kế từ 17 đời vua Hùng trước đó. An Tiêm cùng vợ con bị đuổi ra một hoang đảo thuộc vùng biển Nga Sơn.
Đang lúc tuyệt vọng vì hết lương thực mang theo thì bỗng có đàn chim tha đến vài hạt cây đen nhánh thả xuống bãi cát. Những hạt ấy mọc lên cả một ruộng cây bò lan trên cát và ra những quả xanh ruột đỏ.
Gia đình An Tiêm ăn thay cơm và thấy cũng cầm cự được cuộc sống. Về sau chuyên chú trồng trọt và thu hoạch loại quả này để đổi lấy lương thực từ trong đất liền mang ra. Từ đấy người Việt biết trồng trọt và ăn dưa hấu.
Câu chuyện từ thế kỷ III trước công nguyên ấy lưu truyền cho đến chúng ta ít nhất đã 2317 năm tính đến hôm nay. Thế nhưng cho đến tận giữa thế kỷ trước người miền Bắc vẫn chỉ có hơn quả dưa hấu truyền thuyết ấy ba loài dưa khác. Đó là dưa gang, dưa bở, dưa chuột.
Vào quãng những năm 1970 mới có thêm giống dưa lê được người làng Đăm (Tây Tựu) Hà Nội mang về trồng. Người làng Đăm nổi tiếng trồng rau từ thời Pháp thuộc cung cấp cho thành phố. Những su hào, xà lách, súp lơ mang giống từ Tây sang cũng người làng này trồng thành công trước tiên. Làng Đăm trồng rau rất giỏi đã kéo theo những làng lân cận vùng Cổ Nhuế phát triển thêm nghề cung cấp phân bón cho làng.
Tất cả ngần ấy loại dưa đều ra quả vào mùa hè. Dưa gang và dưa chuột chỉ có lũ trẻ ăn như quà vặt hàng ngày. Cổng trường phổ thông nào cũng có người bán. Muối ớt gói bằng giấy báo lem nhem vết mực. Dưa chuột lau vào vạt áo chấm muối ăn ngon lành. Người lớn cho nó vào thực đơn của bữa ăn chính như món rau sống. Đại khái bún đậu mắm tôm có thêm vài lát dưa chuột, dưa gang cho đỡ háo.
Dưa bở da ếch là món quà yêu thích của cả trẻ con người lớn Hà Nội. Nhưng cuối thời bao cấp đường kính trở nên khan hiếm cũng còn ít người thích ăn thứ dưa nhạt hoét ấy. Thực ra chút đường kính cho vào bát dưa bở tưởng như là một gia vị mà không phải. Chính đường kính mới là thứ người ta ao ước.
Dưa hấu ở Hà Nội luôn là đặc sản suốt thời kỳ chiến tranh bao cấp. Hà Nội và những tỉnh lân cận không trồng dưa hấu. Xa nữa, vào đến Thanh, Nghệ, Quảng Bình có dưa hấu cũng ít ai đủ sức mang ra. Đi xem phim Liên Xô ở bãi chiếu bóng Cầu Giấy thấy trên màn ảnh có những cảnh người ta mang quả dưa hấu ra ném nhau vỡ toác đứa nào cũng nuốt nước bọt xuýt xoa. Giá mà…!
Vài năm nay thật ngạc nhiên Hà Nội lại là nơi có nhiều loại dưa nhất. Dưa hấu miền Nam mang ra quanh năm bán rất rẻ. Lúc nào cũng có thể mua về ăn thỏa thích. Cỗ bàn cưới xin giỗ tết nào cũng có món tráng miệng bằng dưa hấu. Quán giải khát nào cũng có món nước sinh tố dưa hấu nhưng ít khi người ta gọi. Nhiều nhất cũng chỉ ăn được một miếng dưa bổ mỏng mà thôi. Chẳng phải nó không ngon như trước nữa mà vì có quá nhiều dưa khác để lựa chọn.
Dưa vàng vỏ nẻ ngọt lịm cùi dày. Dưa lê “da trắng rốn lồi” làng Đăm xưa cũng không còn vị trí độc tôn. Nhiều dưa lê các vùng khác rẻ hơn và phổ biến hơn làm cho người ta cũng không còn quá cầu kì chọn lựa.
Con cháu Mai An Tiêm hơn hai ngàn năm kế tục nghề trồng dưa hấu xem ra còn thua xa những người buôn dưa. Dưa hấu trồng ra không bán được bỏ đi cả ruộng. Đành ngồi ở nhà lấy điện thoại di động ra “buôn dưa lê” với nhau cho hết buổi cày.