Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về lợi ích tiêm vaccine đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân để có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêm vaccine Covid-19 và tích cực phối hợp trong công tác tiêm vaccine Covid-19.
Sở Y tế được yêu cầu tiếp tục duy trì tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ và sẵn sàng tăng thêm các đội tiêm theo yêu cầu tại các điểm tiêm cộng đồng. Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương triển khai tích hợp tiêm vaccine Covid-19 với các chương trình tiêm chủng mở rộng; theo dõi, giám sát, đánh giá tỷ lệ tiêm của từng quận, huyện, từng cơ sở giáo dục, theo từng lứa tuổi để đề xuất các giải pháp can thiệp phù hợp. Sở GD-ĐT chủ động đề xuất ngành y tế mở thêm điểm tiêm tại các trường học để thuận tiện cho trẻ được tiêm chủng. Đưa tỷ lệ tiêm vaccine của từng trường vào tiêu chí thi đua của ngành giáo dục.
Tăng cường truyền thông cho phụ huynh về sự cần thiết tiêm chủng và phản bác trào lưu chống tiêm vaccine. Sở TT-TT phối hợp ngành y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm việc đưa tin không đúng, không chính xác, thiếu cơ sở khoa học về lợi ích của tiêm vaccine Covid-19 trên các nền tảng xã hội.
UBND quận huyện, TP Thủ Đức tổ chức đợt khảo sát “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng” thuộc diện phải tiêm vaccine; lập danh sách người dân thuộc diện phải tiêm vaccine theo quy định nhưng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi, mắc bệnh nền) đang cư trú trên địa bàn, vận động, thuyết phục người dân tiêm vaccine để có kế hoạch tổ chức tiêm phù hợp.