Mưu sinh nuôi đam mê
Chúng tôi ghé thăm NSND Nguyễn Thị Thu Nhân (69 tuổi, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) khi bà đang mải mê chỉnh sửa, trau chuốt lại những chiếc mão giao cho khách. Mặc dù nghỉ hưu gần 3 năm, nhưng niềm đam mê với nghệ thuật tuồng vẫn được bà Nhân duy trì trong từng đường may, họa tiết. Từng công đoạn vẽ mẫu, thêu, đính cườm... đều do bà tự mày mò, vì chỉ có người am tường các vai diễn mới hiểu rõ trang trí sao cho phù hợp.
Thời kháng chiến, đoàn tuồng Liên khu 5 của bà Nhân đi dọc các tỉnh miền Trung biểu diễn. Chỉ cần phát quang một vùng cỏ rồi thắp đuốc ở hai bên, cứ như vậy một sân khấu tuồng được hình thành. Người xem lúc ấy chủ yếu là bộ đội và người dân. Sân khấu sáng đèn, trong tiếng vỗ tay, những khuôn mặt hân hoan, chờ đợi của khán giả là động lực để các nghệ sĩ cháy hết mình trên sân khấu với vai diễn, dù có đêm mưa ướt sũng.
Sau năm 1975, nghề hát tuồng bắt đầu thoái trào, một vở dựng xong tốn bao mồ hôi, công sức, nhưng khán giả tới rạp ngày càng thưa dần. Những năm đó, với đồng lương ít ỏi, bà Nhân phải chạy nhiều show diễn và có lúc giằng xé giữa tiếp tục theo nghề, hay kiếm nghề khác mưu sinh lo cho gia đình.
“Thu nhập cả hai vợ chồng lúc ấy chỉ 600.000 đồng/tháng, trong khi con đi học ngành hàng không tại TPHCM cần 700.000 đồng/tháng. Vay ngân hàng rồi bán rau ngoài chợ mới trang trải được cuộc sống. Đôi khi muốn bỏ nghề, nhưng các nhân vật trong các vở tuồng cứ níu mãi”, NSND Thu Nhân trăn trở.
Không kén khán giả như tuồng, ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), bài chòi sống được đến hôm nay là nhờ tình yêu nghề của những nghệ nhân dân gian cũng như khán giả dành cho họ. Chuyện một số nghệ nhân biểu diễn sự kiện ở khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ du khách kiếm thêm thu nhập trở nên phổ biến. Nghệ nhân ưu tú Đỗ Hữu Quế (CLB Bài chòi Sông Yên) phải kiêm thêm cho thuê phục trang, đạo cụ sân khấu, âm thanh ánh sáng. Lúc vắng khách, ông lại hát ngâm nga những câu, những đoạn dân ca bài chòi tích xưa, bài cổ. Rồi dần dần, ông tự biên soạn những bài dân ca đối đáp hiện đại để phục vụ khán giả. Đến mùa tết hay sự kiện lễ hội, các nghệ nhân như ông Quế rất vui vì… có đất diễn, được sống với niềm đam mê. Bởi hầu hết, những người trong CLB Bài chòi Sông Yên đều là những lao động bình thường, có đam mê hát bài chòi nên lập thành CLB để lưu diễn.
Lưu giữ tinh hoa
Theo chị Nguyễn Thị Nhật Lệ, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên, để gìn giữ loại hình này, đơn vị vận động các nghệ nhân ưu tú và các nghệ nhân là thành viên của CLB ghi âm, ghi hình, phát hành đĩa DVD, CD các làn điệu, tác phẩm dân ca bài chòi và hội chơi bài chòi truyền thống để phổ biến trong công chúng. Tuy nhiên, thực tế thiếu tác giả, người viết kịch bản, biên soạn cũng như sự đầu tư về nội dung, câu hát độc đáo để hút khán giả.
Việc “làm mới”, “cập nhật” ca từ đều do nghệ sĩ biểu diễn tự biên soạn. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng, bởi ngoài đam mê cần có sự chuyên nghiệp, bài bản. Để lưu giữ những nét tinh hoa của nghệ thuật bài chòi, cần tổ chức cuộc thi viết lời mới cho dân ca bài chòi phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng. Lâu nay, hát bài chòi chỉ dừng lại ở “diễn cái mình có” mà chưa làm được “diễn cái khán giả cần”.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đà Nẵng), cho rằng, rất khó tìm khán giả cho loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng. Lớp người am hiểu về loại hình này ngày càng giảm dần, trong khi lớp trẻ không mặn mà với nhiều lý do.
Năm 2015, TP Đà Nẵng từng cấp kinh phí cho nhà hát thực hiện 30 buổi đưa tuồng vào trường học, giới thiệu cách hóa trang, vẽ mặt, sử dụng đạo cụ, phục trang... và trích đoạn tuồng cổ đặc sắc. Đây là chiến lược đào tạo khán giả theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”.
Hiện tại, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, cho biết, hiện TP Đà Nẵng xây dựng đề án nâng cao chất lượng hoạt động của nhà hát tuồng giai đoạn 2020-2025. Ngoài việc đào tạo về nguồn nhân lực, bổ sung kinh phí, Đà Nẵng sẽ “đưa tuồng xuống phố”, đưa tuồng vào trường học, đảm nhận show biểu diễn phục vụ trên địa bàn...
Tháng 5 hàng năm, Đà Nẵng tổ chức liên hoan dân ca bài chòi, bài chòi mở rộng toàn khu vực miền Trung với đối tượng là các em nhỏ, công chúng yêu dân ca bài chòi. Gần đây nhất, HĐND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định 43 về chế độ hỗ trợ tập thể, cá nhân đạt danh hiệu, thành tích cao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Việc này giúp nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống có thêm động lực để bám nghề. |