Đưa TPHCM trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, ngang tầm khu vực
SGGPO
Ngày 21-2, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức buổi họp mặt các giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động đào tạo nguồn lực y tế cho TPHCM.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy TPHCM: Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Liêm, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM và đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.
Buổi họp mặt diễn ra trong không khí chân tình, với nhiều ý kiến góp ý tâm huyết và không ít những chia sẻ đầy xúc động về người thầy thuốc, về công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cho TPHCM. Buổi họp mặt càng trở nên ấm cúng khi trình chiếu những thước phim những bác sĩ rưng rưng kể về người thầy của mình.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng quà GS Trần Đông A. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng quà PGS Nguyễn Hồng Sơn. Ảnh: VIỆT DŨNG
"Cánh chim" của ngành y lệch hẳn về một phía
Nhiều đại biểu đã nói lên trăn trở của mình về y tế cơ sở. PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trăn trở trước thực trạng thiếu nhân lực của mạng lưới y tế cơ sở. Theo ông, hoạt động khám chữa bệnh hiện nay trên địa bàn TPHCM đang tập trung nhiều vào các hoạt động khám chữa bệnh chuyên khoa sâu tại các bệnh viện.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Người dân tập trung đông đến các bệnh viện khiến cho lực lượng nhân viên y tế cũng tập trung về đây công tác cũng như định hướng học tập theo các chuyên khoa sâu làm cho “cánh chim” của ngành lệch hẳn về một phía. Trong khi lĩnh vực chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở, gần dân, dễ tiếp cận, giải quyết phần lớn vấn đề sức khỏe của cộng đồng lại ít được người dân quan tâm.
Từ đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng cần đẩy mạnh đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát, mở rộng chương trình đào tạo cử nhân cấp cứu ngoài bệnh viện (paramedic). Đồng thời mở rộng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình. Bên cạnh đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn. Các trường đại học y khoa cũng cần đẩy mạnh đào tạo cán bộ quản lý y tế.
PGS.TS Trần Diệp Tuấn phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng nỗi trăn trở, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TPHCM nhấn mạnh đến vai trò của chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt với quốc gia đang phát triển như nước ta thì công tác này càng có hiệu quả. Theo ông, đại dịch vừa qua đã cho thấy ý nghĩa của tuyến y tế cơ sở mạnh. Để có được điều này, hệ thống y tế ngay từ đầu cần đặt hàng ngành giáo dục về hệ thống y tế mà mình mong muốn.
Song song đó, chính sách phải có tính bền vững, khi đưa bác sĩ về tuyến cơ sở thì làm sao để bác sĩ trụ lại tuyến cơ sở. Chính sách đãi ngộ, cơ hội học tập như thế nào là việc không đơn giản, để thực hiện được là cả hệ thống chính trị chứ không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế.
GS.TS Lê Hoàng Ninh phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG
GS.TS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM đưa ra số liệu của WHO: 70-80% nhu cầu của người dân là y tế cơ sở, chỉ 2-30% là y tế chuyên khoa. Trong khi ở Mỹ, có 1 triệu bác sĩ thì gần 50% là bác sĩ tổng quát, ở Việt Nam số bác sĩ tổng quát rất ít.
Ông phân tích, theo tỷ lệ trên cứ 100 người bệnh thì có từ 70-80 người cần chăm sóc tổng quát, nghĩa là không cần tới bệnh viện. Do chúng ta không có nguồn lực này, dẫn đến sự vỡ trận, quá tải ở tuyến trên. Nếu không phát triển được y tế cơ sở thì những đề án chương trình để giải quyết sự quá tải chỉ mang tính đối phó chứ không giải quyết căn cơ sự quá tải. “Quốc gia nào làm chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt thì khi đó chi phí y tế thấp mà hiệu quả thì cực cao. Nếu không làm thì cứ loanh quanh mãi thôi”, GS Lê Hoàng Ninh nói.
Họp mặt các giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y tế cho TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế
Trước đó, phát biểu tại buổi họp mặt, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng chia sẻ, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, thầy thuốc và nhân viên của ngành y tế TPHCM luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Qua hơn 45 năm phát triển, ngành y tế thành phố đã trải những giai đoạn thăng trầm với nhiều khó khăn, thách thức và hệ thống y tế TPHCM luôn đứng vững và phát triển.
“Quá trình phát triển của ngành y tế thành phố luôn gắn chặt với hình ảnh các thầy cô qua nhiều thế hệ. Thầy cô lúc nào cũng dành hết tâm sức và trí lực đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, nhất là cho công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế với mong muốn tạo ra những thầy thuốc vừa giỏi chuyên môn, vừa giàu y đức”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM bày tỏ.
Nhân viên y tế TPHCM luôn tự hào về hình ảnh thầy cô qua bao thế hệ luôn gắn liền với những sự kiện, những cột mốc đánh dấu sự phát triển không ngừng của ngành y tế thành phố. Giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá, ngày nay ngành y tế TPHCM có được nguồn nhân lực chất lượng cao, những y bác sĩ hết lòng chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, phải kể đến công sức và những đóng góp của thầy cô. Những người vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo, gánh trên vai hai trọng trách cao cả của xã hội là trồng người và cứu người.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với sự phát triển nguồn nhân lực y tế, lĩnh vực y tế chuyên sâu của TPHCM, Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định các thầy thuốc của ngành y tế thành phố hoàn toàn có đủ khả năng để tiếp nhận và phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực và thế giới. Đồng thời có được những bước tiến để xây dựng ngành y tế thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và ngang tầm với khu vực.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhìn nhận vẫn còn những thách thức không nhỏ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế trong giai đoạn hiện nay.
Trước những khó khăn và thách thức về nguồn nhân lực y tế cho y tế cơ sở, vừa qua ngành y tế TPHCM đã triển khai thí điểm đưa bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp về tăng cường y tế cơ sở. Theo đó, bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp sẽ được hướng dẫn thực hành tại các trạm y tế đan xen với thực hành tại các bệnh viện dưới sự hướng dẫn chuyên môn và hướng dẫn thực hành của các bác sĩ bệnh viện đa khoa hạng l. Khi tham gia chương trình này, các bác sĩ còn được TPHCM hỗ trợ 100% kinh phí thực hành và được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt.
“Nửa đêm, học trò gọi tôi khóc nức nở”
Dẫn câu nói của nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ William A.Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương Nguyễn Công Minh cho rằng: Những thế hệ thầy thuốc hôm nay lao mình vào tâm dịch chính là những người đang truyền cảm hứng thực sự.
Hai năm qua, họ đã làm việc gấp đôi gấp ba trong điều kiện khắc nghiệt. Sẵn sàng đối mặt hiểm nguy để cứu chữa người bệnh. Những học trò hai năm qua đã làm việc gấp đôi gấp ba trong điều kiện khắc nghiệt. Có lần giữa đêm, học trò gọi điện cho thầy Nguyễn Công Minh khóc nức nở.
Những hình ảnh thật đẹp đáng tôn vinh, là động cơ cho những người thầy cô luôn phải cập nhật để truyền kiến thức cho những học trò đầy bản lĩnh. Đại dịch đi qua để lại nhiều mất mát cho TPHCM nhưng cũng tôi luyện đội ngũ nhân viên y tế trưởng thành, bản lĩnh. Hy vọng với đội ngũ này và những quyết sách đúng đắn, sẽ đưa số ca tử vong giảm thấp nhất, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân cao nhất cả nước
Tính đến thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của ngành y tế thành phố đã có nhiều biến đổi cả về số lượng, chất lượng lẫn cơ cấu. Cụ thể, tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân tăng từ 16 bác sĩ (năm 2016) lên 20 bác sĩ vào năm 2020. Đây là con số cao gấp 2 lần so với chỉ tiêu của Trung ương đề ra. Số lượng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe trên địa bàn TPHCM tăng dần theo thời gian.
Tính đến cuối năm 2021, TPHCM có 8 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học; 8 trường cao đẳng, 20 trường trung cấp, dạy nghề và hệ thống cơ sở thực hành lâm sàng tại 51 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc ngành y tế thành phố. Số cán bộ, công chức, viên chức y tế có trình độ sau đại học tăng từ 6.385 (năm 2016) lên 8.400 vào năm 2021. Số bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học tăng từ 3.565 (năm 2010) tăng lên 6.028 người trong năm 2021. Trong đó, tiến sĩ chiếm 4,98%, chuyên khoa chiếm 21,56%; thạc sĩ chiếm 20,77%, và chuyên khoa cấp I chiếm 52,69%.