Không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá, những năm qua, dù chịu ảnh hưởng khó khăn của suy thoái kinh tế thế giới nhưng chính sự năng động, sáng tạo, cộng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã đưa TP vượt qua khó khăn, thách thức và đạt những thành quả quan trọng.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2016 của TPHCM đạt 8,05%, gấp 1,3 lần cả nước. Trong năm 2017, TPHCM phấn đấu đạt 8,4% - 8,7% và cả giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 9,5% - 10%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,5% - 9%/năm. TP cũng ưu tiên đầu tư cho dân sinh, từng bước xây dựng TP văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt bằng việc cụ thể hóa các đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt...
Một góc đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp với thực tiễn của TP, nhờ đó góp phần tích cực cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
“Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, quan điểm phát triển của TPHCM dựa trên nền tảng phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao mức sống dân cư, gắn với bảo vệ môi trường”, đồng chí Lê Thanh Liêm nói và cho biết thêm, TP sẽ không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, sớm đưa TP trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận xét: Dư địa tăng trưởng của TPHCM hiện còn rất lớn. TPHCM hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các TP lớn của châu Á. Đây không phải là giấc mơ viển vông, bởi nhiều nơi như Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore hay Thẩm Quyến (Trung Quốc)... đã làm được thì TPHCM không thể không làm được! Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính quyền TP, để khai thác được các dư địa đó, TPHCM sẽ tiếp tục kiên trì đề xuất Trung ương cho TPHCM được tự chủ về ngân sách, từ đó mới tạo ra nguồn thu cho TP một cách chủ động hơn; cũng như các chính sách tạo cơ chế, môi trường đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp.
Tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển
Đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích, trong dài hạn TPHCM tiếp tục tập trung phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn, sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến để mang lại năng suất cao. Kinh tế TP sẽ kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo.
Chủ tịch UBND TP còn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế TP thời gian tới. Theo thống kê, vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ có tỷ trọng thấp nhất, từ 12 năm nay đã trở thành nguồn vốn lớn nhất trong tổng vốn đầu tư hàng năm của TPHCM (từ 29% tổng đầu tư toàn xã hội năm 1995 lên gần 65% vào năm 2016). Do đó, để tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững, TPHCM sẽ có các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Dù khó khăn đến mấy TPHCM cũng sẽ tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển”.
Theo đó, trước mắt, TPHCM sẽ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp; thành lập tổ công tác liên ngành một cửa để xem xét các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tổ công tác này có trách nhiệm hoàn chỉnh mọi thủ tục trước khi dự án được thực hiện. Khi đó, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại tổ công tác liên ngành mà không cần thông qua bất kỳ cơ quan, đơn vị nào khác. TPHCM cũng sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp với bộ ngành và các tỉnh thành, kể cả việc doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Song song đó, TPHCM còn thực hiện một loạt chính sách khác thu hút khu vực tư nhân đầu tư như: tạo quỹ đất sạch 1.000ha; bổ sung các dự án khởi nghiệp, các dự án đầu tư tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Công viên Khoa học công nghệ vào chương trình kích cầu đầu tư; rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cắt giảm quy trình không cần thiết; ứng dụng công nghệ thông tin thông suốt, đồng bộ từ TP đến cơ sở; xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh...
Đồng chí Nguyễn Thành Phong tin tưởng, với truyền thống năng động, sáng tạo, vì dân, vì doanh nghiệp, TPHCM sẽ ngày càng hấp dẫn mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt, sẽ là nơi lý tưởng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Xây dựng đô thị thông minh
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong thời gian sắp tới là xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo UBND TPHCM, hiện TP đang gặp phải 4 thách thức: một số dịch vụ không theo kịp nhu cầu của người dân; kinh tế phát triển nhanh nhưng không bền vững; công tác dự báo, xây dựng chiến lược chưa khoa học; chưa đóng góp yêu cầu phát triển kinh tế. Chính quyền TPHCM đề xuất nhiều giải pháp với các mục tiêu như: đảm bảo tốc độ tăng trưởng: hướng đến kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.
Các mục tiêu nói trên sẽ được giải quyết thông qua việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Điều đó sẽ giúp chính quyền dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ một cách tối ưu, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia giám sát, quản lý và xây dựng TP. Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định chính xác, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Sẽ tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin, giúp các tổ chức xã hội tham gia một cách có hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.
Theo UBND TP, việc phát triển đô thị thông minh là cần thiết bởi TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước, chiếm 9,1% dân số cả nước, đóng góp 28,6% tổng thu năm 2016 của quốc gia, xuất khẩu đạt 18% cả nước, nhưng nếu so với các TP lớn trong khu vực thì TPHCM vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng sống.