Được thực tế chăm sóc người bệnh
Là sinh viên đang thực tập tại Trạm y tế phường 7 (quận 8), Nguyễn Tấn An, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết: “Trong những năm qua, em đã tích lũy được những kiến thức quý báu về lý thuyết cũng như chuyên môn từ các thầy cô giáo, nhưng khi được thực tập tại các tuyến y tế cơ sở - tuyến y tế đầu tiên tiếp xúc với người dân, chúng em sẽ được thực tế hơn với người bệnh, với quy trình chăm sóc sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh này”.
Nhiệm vụ của các em là xác định, lập danh sách F0 cách ly tại nhà trên địa bàn được phân công thực tập. Tham gia cùng Tổ Covid-19 cộng đồng hoặc Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép. Các em sẽ nhập thông tin F0 trên phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” kể từ khi tiếp nhận thông tin F0 và chuyển thông tin F0 cho các cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà trong vòng 4-6 giờ. Chuyển danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, hướng dẫn chăm sóc bệnh nền (nếu có). Hướng dẫn F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, xuyên suốt các đợt dịch vừa qua, đội ngũ giảng viên, sinh viên của nhà trường đã luôn đồng hành cùng ngành y tế cũng như chính quyền TPHCM, hỗ trợ người dân trong công tác phòng chống dịch. Cũng qua thực tế cho thấy một thực trạng đáng buồn: lực lượng y tế cơ sở rất mỏng, không đáp ứng được nhu cầu người dân địa phương và phải cần lực lượng chi viện nơi khác đến. “Nhà trường huy động toàn bộ giảng viên, sinh viên trước đây tham gia với tinh thần tự nguyện, nay được lồng ghép tham gia trong chương trình hoạt động đào tạo của nhà trường và vừa đồng hành tham gia phòng chống dịch”, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp thông tin.
Thêm kiến thức, kỹ năng
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, dịch Covid-19 bùng phát, nhà trường phát động phong trào tình nguyện với lực lượng giảng viên là tiên phong, sau đó các sinh viên cũng đã ý thức và định hướng được đây là trách nhiệm của mình và ngay lập tức đăng ký tham gia cùng thành phố chống dịch. Đây là bài học thực tiễn vô cùng quý giá, qua đó thể hiện tinh thần xung kích, đạo đức, trách nhiệm người thầy thuốc trong tương lai. Nhà trường đánh giá rất cao ý thức, y đức, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với xã hội và người dân của những tình nguyện.
Việc đưa sinh viên năm cuối thực tập cộng đồng kết hợp hỗ trợ công tác tại các trạm y tế lưu động ở địa phương là cơ hội để sinh viên y có kỹ năng “thực chiến”. Sinh viên sẽ được dịp tiếp cận người dân gần nhất, sẽ hiểu rõ hơn quy trình làm việc trong hệ thống y tế, giúp các em chủ động trong công tác hành nghề sau khi ra trường. “Thực tập tại cơ sở sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên có thêm kiến thức vững vàng từ cơ sở đến chuyên khoa và bệnh viện”, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp nhấn mạnh.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, trong năm 2021, nhà trường đã tổ chức thi, xét và công nhận tốt nghiệp cho 1.143 sinh viên với tỷ lệ tốt nghiệp chung đạt 87.99%. Hiện dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến, nhà trường cũng đã huy động những tân bác sĩ, tân cử nhân y khoa tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ sẽ là những hạt giống tiên phong để ươm mầm phát triển mạng lưới y tế cơ sở - một mạng lưới y tế gần dân, dễ tiếp cận, giải quyết phần lớn vấn đề sức khỏe của người dân, giảm thiểu sự quá tải của các tuyến trên.
Tuy nhiên, theo Luật Khám chữa bệnh, hiện tại bác sĩ mới ra trường phải có thời gian thực hành tại cơ sở có giường bệnh để có thể xác nhận cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Khi các em về các đơn vị này sẽ có khoảng trống về mặt điều kiện pháp lý để cấp thời gian thực hành, dù ở đây các em vẫn trực tiếp thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, nhưng trạm y tế không có giường bệnh nên khó cho các đơn vị trong việc cấp chứng chỉ thực hành.
Để giải bài toán này, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp cho biết, nhà trường đã kiến nghị UBND TPHCM, Bộ Y tế thí điểm mô hình bác sĩ tăng cường y tế cơ sở tại các cơ sở không có giường bệnh cũng được xem là trực tiếp thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, qua đó được xác nhận thời gian thực hành. Cần linh động điều chỉnh quy định sao cho phù hợp thực tế, tạo điều kiện cho bác sĩ mới ra trường làm việc tại y tế cơ sở.