Sáo hay trống?
Mai Thành Nam kể: “Tôi sinh ra trong gia đình theo đoàn nhạc võ Phù Đổng. Thế hệ con cháu lớn lên được chỉ định phải học một nhạc cụ dân tộc nào đó, tôi được chọn học sáo”. Tuy không được tự chọn nhưng Nam cũng thích nhạc cụ này nên kiên trì theo hết 10 năm trung cấp sáo trúc (Khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM).
Năm 2007, Nam sang Pháp du học để tiếp tục thử sức với sáo tây (flute). Vị trí của cây sáo tây trong dàn nhạc cổ điển có vẻ như là hướng duy nhất giúp Nam phát triển sự nghiệp ở nước ngoài lúc đó. Vì vậy, Nam phải học lại từ tư duy âm nhạc cổ điển, ký xướng âm cho đến cảm nhận văn hóa, ngôn ngữ...
Cũng trong thời gian du học, Nam phát hiện mình rung động thêm một nhạc cụ, đó là trống. Cảm giác của Nam lúc ấy là “có nhiều hệ trống khiến tôi thấy thú vị hơn cả sáo tây. Các điệu nhảy của thế giới như Samba, Tango... dựa nhiều vào tiết tấu nên âm thanh của bộ gõ vang lên cực kỳ hấp dẫn. Ngành trống rộng lắm, học một bộ gõ của một quốc gia có khi cũng hết cả đời rồi. Thế nên sau khi học sáo tây giai đoạn đầu, tôi chuyển hẳn sang trống, chuyên về bộ gõ châu Mỹ Latinh và châu Phi”.
Để đi con đường mình chọn, Nam thi vào Nhạc viện Polesup93, đồng thời học âm nhạc học ở ĐH Paris VIII - Saint Denis. Từ năm thứ hai anh học thêm chuyên ngành sư phạm (giảng dạy về âm nhạc). Nam vẫn không quên cây sáo trúc. Anh song hành tập luyện và tìm cơ hội biểu diễn sáo trúc nhiều hơn tại Pháp.
Khi đi diễn, Nam vừa là nghệ sĩ trống vừa là nghệ sĩ sáo. Anh từng tham gia các chương trình “Sáng tạo của người Pháp: 4 điều bất ngờ đối với viola và bộ gõ Việt” tại Paris năm 2018; trình diễn bộ gõ Brazil, sáo trúc tại buổi hòa nhạc “Trên biên giới Việt Nam - Brazil - Pháp” vào năm 2022 tại Cité Internationale des Arts (Paris) do Hiệp hội Le Cercle Premier tổ chức.
Nam từng cùng đoàn nghệ sĩ Cội Nguồn của Pháp mang vở “Kiều” về biểu diễn tại TPHCM và Hà Nội. Năm nay, anh là nhạc công duy nhất trong vở kịch Quán bar phương Đông của đạo diễn Jean-Marie Rouart, công diễn 3 tháng tại Nhà hát Montparnasse (Paris). Tháng 6 vừa qua, Nam (sáo và trống) cùng nghệ sĩ Hồ Thụy Trang (đàn tranh, đàn bầu) và các nghệ sĩ chuyên về sáo - trống Ấn Độ, sáo Hàn Quốc, đàn tranh Nhật Bản, múa Ấn Độ được chính quyền thành phố Valencienne mời đến làm việc cùng nhau và biểu diễn công bố sản phẩm nghệ thuật chung tại đây.
Không độc hành mà song hành
Chính việc nỗ lực học thêm bằng sư phạm nhạc viện song song học biểu diễn đã giúp Nam có được việc làm trước khi tốt nghiệp. Nam nhớ lại: “Đang học năm cuối sư phạm của nhạc viện thì tôi được nhận vào giảng dạy tại Nhạc viện Ermont. Vì nhạc viện thuộc nhà nước quản lý nên phải qua hai vòng phỏng vấn của giám đốc nhạc viện và tòa thị chính. Khi muốn giảng dạy cần có bằng biểu diễn. Người ta quan niệm một giảng viên cũng phải là một nghệ sĩ biểu diễn tốt mới kết hợp được cả phương pháp giảng dạy với kinh nghiệm thực tiễn. Tôi đáp ứng cả hai yêu cầu nên trúng tuyển”.
Môi trường nghệ thuật ở Pháp rất sôi động nhưng phải cạnh tranh với nghệ sĩ bản xứ. Nam trụ được vì song hành mảng giảng dạy và biểu diễn. Cứ có cơ hội là anh mang cây sáo trúc Việt ra giới thiệu với bạn bè quốc tế. Có lần, một người bạn là luật sư ở Paris mời Nam giới thiệu sáo trúc cho đồng nghiệp trong buổi giải lao giữa cuộc họp. Nghe hơi lạ, nhưng Nam đã mang cây sáo trúc vào tòa án thật. Anh đứng đó vừa giới thiệu vừa biểu diễn khiến các luật sư đi từ bất ngờ này tới thán phục khác.
Là người đầu tiên dạy môn sáo trúc tại Nhạc viện Ermont từ đầu năm học này, Mai Thành Nam đang soạn thảo giáo trình cho mọi lứa tuổi và trình độ, đồng thời hướng tới đưa sáo trúc Việt tham gia nhiều thể loại âm nhạc của thế giới.
“Tôi không cầm sáo trúc theo hướng bảo tồn nhạc cụ dân tộc, việc đó nhiều nghệ sĩ trong nước làm rồi. Ở vị trí của mình, tôi nghĩ phù hợp hơn là nên cho cây sáo trúc cơ hội đóng được nhiều vai trò, góp được nhiều âm điệu hơn vào nhạc cổ điển, jazz, world music. Sáo tây bằng kim loại và bấm theo nốt nên khi thổi có màu sắc khác, sáo của mình bằng tre trúc, khi thổi bấm lỗ nên âm thanh cảm giác lả lướt luyến láy hơn, có màu sắc hấp dẫn riêng”.