Đưa quan hệ Việt Nam với Chile, Peru phát triển thực chất, hiệu quả

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Lương Cường dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile, Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 từ ngày 9 đến 16-11 tại Lima, Peru.

Nước chủ nhà Peru sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2024. Ảnh: BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Nước chủ nhà Peru sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2024. Ảnh: BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương. Với Chile, đây là chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam sau 15 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Salvador Allende - sự kiện đặt nền móng cho việc Chile trở thành nước đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trên nền tảng đó, quan hệ Việt Nam - Chile đã và đang phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Kim ngạch thương mại hai chiều trong hơn 1 thập niên đã tăng gấp 4 lần, đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2023.

Đối với Peru, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam. Diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới. Hiện nay, Peru là nước được Việt Nam đầu tư trực tiếp lớn nhất tại khu vực Mỹ Latinh; là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 500 triệu USD và trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 300 triệu USD. Bên cạnh đó, tham dự Tuần lễ cấp cao APEC là dịp Chủ tịch nước gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo APEC, trong đó có nhiều đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược của Việt Nam, góp phần không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các thành viên APEC.

Đóng góp tích cực của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định, trong hơn 25 năm tham gia APEC (1998-2024), Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong hợp tác APEC và luôn được đánh giá là thành viên có nhiều đóng góp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào việc hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn hợp tác của APEC cũng như nâng cao vai trò của diễn đàn. Thứ nhất, Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công trọng trách chủ nhà APEC vào năm 2006 và năm 2017. Trên cương vị chủ nhà, nước ta đã khẳng định năng lực điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC, đóng góp thành công của các hội nghị, thúc đẩy đà hợp tác và liên kết kinh tế của APEC và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai, chúng ta đã đóng góp tích cực vào việc duy trì đà hợp tác APEC trong bối cảnh hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế đứng trước nhiều thách thức. Thứ ba, chúng ta đã khởi xướng và tham gia định hình tầm nhìn dài hạn cho hợp tác APEC. Nổi bật là việc xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Tiếp nối những nỗ lực đáng tự hào đó và với tâm thế của chủ nhà APEC 2027, trong dịp Tuần lễ cấp cao APEC 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực, trách nhiệm tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 31 và các cuộc họp liên quan cũng như Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực. Chủ tịch nước Lương Cường sẽ nêu nhiều đề xuất mang tính chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.

Tin cùng chuyên mục