Trước đó, cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì lễ đón và hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher.
Dấu mốc trong quan hệ hai nước
Chiều 8-12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đoàn đại biểu Thượng viện Pháp do Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher dẫn đầu đang thăm chính thức Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023. Chuyến thăm biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt - Pháp trên nhiều lĩnh vực, như hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng như giao lưu giữa các địa phương và nhân dân hai nước, trong đó, có vai trò của cộng đồng 350.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp.
Tổng Bí thư đã chia sẻ với Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher và đoàn về những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới; khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhấn mạnh vai trò của cơ quan lập pháp hai nước trong quan hệ song phương và đề nghị hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn và những thành tựu hợp tác đã đạt được trong thời gian qua.
Tổng Bí thư đề nghị đẩy mạnh trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân; tăng cường phối hợp, chia sẻ quan điểm giữa cơ quan lập pháp hai nước trên các diễn đàn đa phương; đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy để đưa quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược sang giai đoạn phát triển mới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước trong tất cả lĩnh vực và đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đối tác quan trọng hàng đầu
Chiều tối 8-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp và hội đàm Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam coi Pháp là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hai nước có mối quan hệ lịch sử đặc biệt, gắn kết về mọi mặt, từ quan hệ chính trị, hợp tác nghị viện, cho đến kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, con người. Trong tất cả các lĩnh vực hợp tác đó, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Pháp luôn là đối tác thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển hàng đầu châu Âu tại Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị Thượng viện Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA và thúc đẩy Ủy ban châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng IUU. Cùng với hợp tác kinh tế, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục và đặc biệt về y tế có những bước phát triển tích cực. Chủ tịch nước mong muốn Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong trùng tu quần thể di tích Cố đô Huế. Chủ tịch nước cũng đề nghị Pháp tăng số lượng học bổng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du học sinh Việt Nam học tập tại Pháp.
Cũng trong chiều 8-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher. Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp thời gian qua phát triển tốt đẹp và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng; Pháp luôn là đối tác thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển hàng đầu của châu Âu với Việt Nam. Thủ tướng mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, qua đó góp phần hơn nữa hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Thủ tướng cũng cho biết, những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi, đáp ứng đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị của EC về tiêu chuẩn IUU, hướng tới mục tiêu phát triển nghề cá bền vững; đề nghị Pháp ủng hộ, thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.