Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, Chủ tịch hội đồng sáng lập kiêm Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Trường EMASI cho biết, trong nhà trường phổ thông, môn tiếng Việt giữ vai trò rất quan trọng nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng đối phó trong thi cử.
Cụ thể, ở bậc tiểu học, giáo dục tiểu học những năm gần đây đã có bước phát triển to lớn, học sinh ngày càng thông minh và tiến bộ, biết nhiều thứ tiếng, sử dụng tốt công nghệ thông tin nhưng vẫn còn một bộ phận học sinh đọc không rõ, viết không đúng, không thích đọc sách, thiếu khả năng tiếp nhận và trình bày, diễn đạt.
Tương tự, ở bậc THCS và THPT, học sinh ngày càng năng động, nhạy bén, sử dụng tốt hai kỹ năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin nhưng tiếng Việt vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được cải thiện, chủ yếu về khả năng đọc, viết, cảm thụ và diễn đạt.
Trước thực trạng đó, TS. Huỳnh Công Minh cho rằng, giáo viên phổ thông cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giúp học sinh đạt được những yêu cầu cơ bản ngay từ trên ghế nhà trường là “phát âm chuẩn, viết đúng, nói đủ câu, nghe đủ ý, đọc cảm thụ, diễn đạt đúng câu từ và rõ ý”.
Đây là những tiền đề quan trọng làm cơ sở vững chắc cho mục tiêu phát triển và làm trong sáng hơn tiếng Việt, qua đó phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Cũng tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình môn tiếng Việt và Ngữ văn quốc gia năm 2018 bày tỏ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tiếng Việt đang đứng trước nguy cơ mất trong sáng. Trong đó, hàng loạt lỗi viết sai chính tả, nói sai cấu trúc, ngữ nghĩa xuất hiện nhiều trên các kênh thông tin đại chúng chứ không riêng gì trong trường phổ thông.
Trong đó, những bất cập về ngôn ngữ ảnh hưởng cả nhân cách, đạo đức, tư tưởng, tình cảm và lối sống của học sinh. Sự xuống cấp của tiếng Việt không chỉ làm ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin mà còn tác động đến đạo đức và lối sống của một bộ phận giới trẻ.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, hiện nay Việt Nam chưa có luật chính tả (như một số nước trên thế giới). Quy định viết chữ cái in hoa hay phiên âm tiếng nước ngoài chỉ dừng lại ở một văn bản quy định do Bộ GD-ĐT ban hành, áp dụng trong nhà trường phổ thông chứ chưa có bất kỳ hành lang pháp lý nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Trước câu hỏi của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1, bộ sách “Cánh diều” gần đây đang gây bức xúc dư luận, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống bày tỏ, quá trình biên soạn và phát hành một bộ sách khó tránh việc bị mắc lỗi, đặc biệt đối với các môn xã hội do dặc trưng môn học rất nhạy cảm, nội dung giáo dục gắn với đạo đức, tư tưởng chính trị, xã hội. Cùng một vấn đề, một văn bản nhưng sẽ có người nói nên, người nói không nên.
“Tôi không bảo vệ cái sai, nếu sai cần sửa chữa, phê phán nhưng ở đây tôi muốn nói tính đặc trưng của môn tiếng Việt. Một bộ sách khi được phát hành ra thị trường sẽ có hàng ngàn con mắt nhìn vào, mổ xẻ, rà soát là điều cần thiết để tác giả rút kinh nghiệm và cẩn thận hơn. Đặc biệt, với các đầu sách đưa vào giảng dạy trong nhà trường càng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nêu quan điểm. |
Tuy nhiên, đơn cử như trường hợp vì mục tiêu phòng tránh bạo lực trong giáo dục học sinh, có hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã yêu cầu các tác giả thay thế toàn bộ chữ “đánh” trong nội dung các bài viết. Vấn đề này cần được đánh giá toàn diện từ nhiều phía.
Một vấn đề đang gây tranh cãi khác là có nên sử dụng phương ngữ trong ngữ liệu sách giáo khoa, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng điều này là cần thiết, vấn đề là dạy khi nào và dạy như thế nào cho học sinh mà thôi.
Vị này cho ví dụ, có những phương ngữ phổ biến đến mức gần như trở thành phổ thông như các tên gọi má, ba (phương ngữ Nam Bộ). Nhà giáo này cũng cho biết thêm, trường phổ thông dạy phương ngữ để học sinh có cơ hội làm giàu hơn vốn ngôn ngữ của mình, đáp ứng mục tiêu tìm hiểu tính phong phú của tiếng Việt, chưa kể từ phương ngữ sẽ giúp các em có thêm kiến thức về văn hóa.
Tuy nhiên, việc đưa phương ngữ vào giảng dạy cần phụ thuộc lứa tuổi học sinh. Ở các lớp học sinh nhỏ tuổi cần hạn chế phương ngữ mang tính vùng, miền nhỏ hẹp, chỉ nên đưa phương ngữ có tính chất phổ biến, dần dần khi các em lên các bậc học cao hơn mới đưa thêm phương ngữ vào.
Một điểm khác cần lưu ý là hiện nay, trong hầu hết các tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng đều có phương ngữ trong nội dung. Giáo viên cần giải thích nghĩa cho học sinh hiểu nhưng dạy đến mức độ nào để phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh.