“Tiết học” thú vị
Sáng thứ hai, buổi chào cờ đầu tuần ở Trường THCS Lê Lợi (quận Tân Phú) trở thành một tiết học đặc biệt, với sự xuất hiện của các vị “thẩm phán”, “hội thẩm”, “bị cáo”, luật sư ăn mặc chỉnh tề y như một phiên tòa thật sự. Hơn 1.300 học sinh khối lớp 6 và lớp 9 của trường háo hức vì biết hôm nay có phiên tòa giả định xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Tất cả dồn ánh mắt lên phiên tòa giữa sân trường. Nơi đó, có một người đàn ông đang cúi gục đầu nghe đọc cáo trạng. Theo nội dung vụ việc, Ngô Văn Đại (tên các nhân vật đều là giả định), 39 tuổi, là hàng xóm và là bạn thân của mẹ cháu Huỳnh Bảo Ngọc (11 tuổi).
Khoảng 14 giờ ngày 2-5-2019, Đại đến nhà chị Tuyết (mẹ cháu Ngọc) xin phép chở cháu đi sinh nhật bạn. Sau tiệc sinh nhật, Đại chở Ngọc đi hát karaoke. Khi các bạn về hết thì Đại giữ Ngọc lại, kêu có chuyện muốn nói. Lợi dụng phòng tối và các bạn đã về hết, Đại ôm hôn và lấy tay phải sờ vào bộ phận sinh dục của Ngọc khoảng 15 phút, rồi chở Ngọc về nhà trả cho chị Tuyết. Ngọc kể lại cho mẹ nghe sự việc, mẹ em tới công an trình báo.
Tại phiên tòa, bị cáo Đại thừa nhận các hành vi của mình. Sau phần xét hỏi, tranh luận rồi nghị án, tòa tuyên bị cáo Ngô Văn Đại mức án 2 năm 6 tháng tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Phiên tòa kéo dài gần một giờ đồng hồ. Tới khi phiên tòa kết thúc, vị “thẩm phán” hỏi lớn có ai có câu hỏi gì không, thì hơn chục cô cậu học trò thi nhau đặt câu hỏi - những câu hỏi mà nếu không chăm chú theo dõi thì các em không thể hỏi được: “Dạ thưa chú, án treo là gì ạ? Có phải là treo người ta lên không?”, “Tù chung thân là gì ạ?”, “Luật sư bào chữa thì giúp gì được cho bị cáo? Vì sao người bào chữa là luật sư mà không phải là người thân? Vì sao chú nói bị cáo đã thành khẩn khai báo mà cuối cùng vẫn bị xử mức án nặng?”…
Học luật trực quan sinh động
Đây là vụ việc có thật, nhưng được biên tập lại cho phù hợp với mục đích tuyên truyền pháp luật. Dàn “diễn viên” trong phiên tòa đều là các luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM.
Luật sư Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết đưa phiên tòa giả định vào các trường học là việc làm thường xuyên và rất được chú trọng. Tùy từng thời điểm mà chủ đề có thể thay đổi, kịch bản cũng được đầu tư cho phù hợp với đối tượng học sinh.
Trước câu hỏi phải chăng THCS là cấp học quá nhỏ để tuyên truyền kiến thức pháp luật, luật sư Ngọc Nữ nói rằng qua nhiều phiên tòa giả định, bà nhận thấy học sinh có thể hiểu được và rất thích. Ở tuổi của các em, việc tập trung theo dõi sự việc trong thời gian dài cả tiếng đồng hồ không phải là đơn giản. Nhưng mỗi khi nhìn vào ánh mắt chăm chú của các em, rồi cuối buổi các em tranh nhau đặt câu hỏi là biết các em rất thích thú và hiểu được thêm nhiều kiến thức để bảo vệ bản thân. Bởi ở tuổi này không phải em nào cũng biết như thế nào là hành vi xâm hại, làm thế nào để không bị xâm hại và nếu bị xâm hại thì phải làm gì.
Cô Đỗ Thị Thu Lan, giáo viên dạy văn Trường THCS Lê Lợi, cho biết mỗi năm tại trường đều có phiên tòa giả định để các em học sinh xem xử án. Theo cô Lan, đây là những tiết học thú vị, vì lứa tuổi các em ưa thích trực quan sinh động hơn là những bài học chay khô cứng. Trong quá trình dạy học, thầy cô cũng cố gắng lồng ghép nội dung tương tự trong các môn như Giáo dục công dân, Ngữ văn… Các em rất thích, nhưng được xem trực tiếp một phiên xử như vậy thì càng thích hơn.
Từng dự một số phiên tòa giả định ngay tại sân trường, em Tuấn Anh, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lợi, nói em vẫn thường đọc tin tức các vụ việc trên báo, trên mạng xã hội. Nhưng được xem phiên tòa như thế này em vẫn thích hơn, vì rất cụ thể, lại còn biết được trình tự phiên tòa diễn ra như thế nào. Qua phiên tòa, các em cũng hiểu được những hành vi như thế nào là xâm hại. Đó là những hành vi sai trái và sẽ bị xét xử, đi phạt tù.
Đừng im lặng Tại phiên tòa giả định, Hội đồng xét xử đã dặn dò mẹ của nạn nhân rằng ngay cả những người thân cũng có thể trở thành đối tượng xâm hại trẻ. “Bà phải dạy cho con cách tự bảo vệ, không để cho người khác đụng chạm và có những hành vi xâm hại đến mình. Khi có người đụng vào thì phải la lên, chống cự, đừng im lặng, phải kể lại với cha mẹ để báo cho cơ quan chức năng. Phải dạy cho con biết thân thể của con là tài sản quý giá nhất, phải biết từ chối những ôm hôn đụng chạm, hướng dẫn con không đến những nơi vắng vẻ, không có người. Nên dạy dỗ những cách đó để phòng tránh các tình huống xấu có thể xảy ra”, vị hội thẩm nói. |