Mở rộng mạng lưới kết nối cho hàng Việt
Là nhà bán lẻ tiên phong đầu tư mở rộng phát triển mạng lưới tại khu vực ĐBSCL, sau hơn 20 năm, Saigon Co.op đã phủ hệ thống siêu thị ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, Saigon Co.op hiện phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của hàng trăm ngàn lượt khách hàng mỗi ngày, đóng góp tích cực vào công tác bình ổn thị trường, giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động thời vụ. Bên cạnh đó, Saigon Co.op đã tổ chức hàng trăm chương trình an sinh xã hội, đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai, đóng góp cho nhiều hoạt động vì cộng đồng. Đặc biệt, trong hành trình phát triển và gắn bó với vùng ĐBSCL, Saigon Co.op đã thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL và TPHCM.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, hiện Saigon Co.op đang thu mua hàng hóa của gần 230 nhà cung cấp tại khu vực ĐBSCL, chiếm 20% tổng số nhà cung cấp cho Saigon Co.op, với đa đạng chủng loại, đặc biệt là mặt hàng nông sản thiết yếu. Đáng chú ý, Trung tâm phân phối của Saigon Co.op tại tỉnh Hậu Giang đóng vai trò vừa là nơi tập kết, phân phối hàng hóa, vừa là điểm thu mua hàng nông sản trong khu vực. Ước tính, tổng sản lượng hàng của khu vực ĐBSCL cung ứng cho hệ thống Saigon Co.op đạt hơn 43.000 tấn/năm, với giá trị trên 1.800 tỷ đồng.
Tiếp tục ủng hộ, bao tiêu sản phẩm
Theo thống kê, ĐBSCL là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thủy sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu. Sinh kế của đa số người dân trong vùng gắn bó mật thiết với khu vườn, mảnh ruộng, dòng sông quanh nhà và hiệu quả mang lại từ sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, không phải lúc nào những sản phẩm nông nghiệp của các địa phương trong vùng cũng được tiêu thụ thuận lợi. Điển hình là tháng 2 vừa qua, trái cam sành của nông dân Vĩnh Long khi vào vụ thu hoạch rộ bị rớt giá, khiến người dân lao đao. Ngay thời điểm đó, với vai trò kết nối người sản xuất với người tiêu dùng (NTD), các hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra của Saigon Co.op đã triển khai thu mua trực tiếp 100 tấn cam sành tại vườn cho nông dân với giá tốt, đồng thời bán với giá không lợi nhuận cho NTD.
Theo đánh giá của ngành công thương các tỉnh ĐBSCL, trong những thời điểm như vậy, vai trò của nhà bán lẻ nội địa như Saigon Co.op rất quan trọng bởi thông qua nhà bán lẻ này, nông sản của vùng ĐBSCL được kết nối tiêu thụ nhanh chóng, giúp nông dân bán được nông sản với giá ổn định, còn NTD được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá tốt.
Trong kế hoạch phát triển sắp tới, Saigon Co.op cho biết sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, trong đó riêng khu vực ĐBSCL sẽ phát triển 200 điểm bán mới, đa dạng quy mô, phù hợp với đặc thù từng khu vực. Phát triển tiêu thụ, mạng lưới, bổ sung các mô hình Co.op Food, Sense City, đại siêu thị Co.opxtra, kết hợp các loại hình khách sạn, nhà ở và tập trung các mô hình hợp tác quốc tế. Chính vì thế, Saigon Co.op có nhu cầu nguồn hàng hóa rất lớn và sẽ tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp, HTX khu vực ĐBSCL.
Trên thực tế, để có nguồn hàng chất lượng, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường cũng như nhu cầu của hệ thống phân phối Saigon Co.op, thời gian qua, thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, chương trình hợp tác giữa TPHCM và ĐBSCL, Saigon Co.op đã ký kết nhiều hợp đồng thương mại, thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp và HTX trong vùng. Điển hình là tại hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành ĐBSCL mới đây, Saigon Co.op đã ký kết ghi nhớ kết nối giao thương với 8 doanh nghiệp về việc cung ứng hàng hóa, sản phẩm cho Saigon Co.op. Theo đó, các sản phẩm gồm lương thực, thực phẩm, nông sản, rau củ quả an toàn, thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ dừa… được nhà bán lẻ này cam kết thu mua để phân phối trong các kênh bán lẻ của mình. “Có thể thấy, mỗi hoạt động đều minh chứng cho tâm thế của tập thể Saigon Co.op luôn ủng hộ nhà cung cấp Việt Nam, ủng hộ hàng Việt Nam. Thời gian tới, với vị thế dẫn đầu hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước, Saigon Co.op đặt mục tiêu quy mô doanh thu tại vùng ĐBSCL đạt 10.000 tỷ đồng/năm”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết.
Theo Sở Công thương TPHCM, hiện các hệ thống phân phối của TPHCM đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng có chất lượng, giá tốt, mẫu mã phù hợp với nhu cầu NTD để cung ứng ra thị trường nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh. Các nhà sản xuất cũng đang tìm cách tiếp cận các hệ thống phân phối để tiêu thụ hàng hóa của mình. Nếu để doanh nghiệp tự thân vận động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, TPHCM và các tỉnh, thành tích cực tổ chức hội nghị kết nối cung cầu để giúp các bên gặp nhau, vừa tiết kiệm thời gian, công sức tìm kiếm, giảm chi phí, vừa giúp doanh nghiệp có mạch kết nối và hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn.