Đưa nông sản chất lượng cao đến người tiêu dùng

Nhu cầu tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản chất lượng cao của người tiêu dùng (NTD) Việt rất lớn, song không phải NTD nào cũng tiếp cận được. Do vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ đã và đang đa dạng giải pháp để mang nông sản chất lượng cao tới đông đảo NTD nội địa.

Nhu cầu ngày càng cao

Theo đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), thời gian qua, chất lượng của nông sản Việt có những cải thiện đáng kể, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD. Cụ thể, các sản phẩm nông sản không chỉ được doanh nghiệp sản xuất đầu tư đa dạng hơn về mẫu mã, kiểu dáng, bao bì mà còn được chú trọng nâng cao hơn về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết sản phẩm chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế như GobalGAP lại chủ yếu được doanh nghiệp mang đi xuất khẩu đến các nước có thu nhập cao như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong khi đó, tại thị trường nội địa hiện có rất nhiều NTD mong muốn sử dụng nông sản chất lượng cao. Từ thực tế kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, hiện NTD Việt Nam có xu hướng lựa chọn sản phẩm nông sản chất lượng cao, tốt cho sức khỏe ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các sản phẩm đạt chuẩn này lại có giá thành cao nên không phải NTD nào cũng có thể tiếp cận.

XHH 7A.jpg
Sản phẩm nông sản chất lượng cao được bán tại Co.opmart

Đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, NTD Việt Nam chưa có điều kiện để tiếp cận với nông sản chất lượng cao. Việc này, một phần do định hướng của doanh nghiệp và xuất phát từ một số lý do. Cụ thể, hầu hết với các doanh nghiệp lớn kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản có giá trị cao đa số tập trung vào thị trường xuất khẩu bởi giá trị xuất khẩu cao hơn thị trường trong nước. Về phía cơ quan nhà nước, cơ chế kiểm soát và công tác quản lý chưa thực sự hoàn thiện, trong khi NTD lại mong muốn sản phẩm giá rẻ, nên một số nông sản chưa đảm bảo chất lượng, chất lượng kém vẫn trôi nổi trên thị trường.

Đa dạng giải pháp

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nông sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt bởi với quy mô dân số trên 100 triệu dân, đây là mảnh đất vô cùng tiềm năng. Thêm vào đó, việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt “chắc chân” trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa, mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra toàn cầu.

Nắm bắt những xu thế nói trên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn như Vina T&T, Intimex, Công ty Lương thực miền Nam… trước đây vốn tập trung vào thị trường xuất khẩu nay đã bắt đầu quan tâm tới thị trường trong nước. Trong đó, Vina T&T đã mở hẳn các chuỗi cửa hàng lớn trưng bày sản phẩm xuất khẩu được lòng NTD EU, Hoa Kỳ… để cung cấp cho người dân TPHCM hay Intimex có một số cửa hàng bán cà phê và gạo đang được xuất khẩu.

Cùng với nhà sản xuất, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Saigon Co.op đã có nhiều hoạt động đưa nông sản chất lượng giá cả phải chăng tới NTD. Nhiều năm nay, Saigon Co.op đã phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Tây Ninh, Hải Phòng… để ký kết hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã nông sản. Qua đó, Saigon Co.op thông tin về quy trình chất lượng, các tiêu chí để nhà sản xuất đáp ứng và đưa hàng vào hệ thống 800 điểm bán mà Saigon Co.op đang có. Đồng thời, Saigon Co.op cam kết hỗ trợ tài chính cũng như dành ưu tiên quầy kệ cho sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP của các nhà cung cấp này.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, chỉ tính riêng với các sản phẩm OCOP, hiện hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… của Saigon Co.op đang kinh doanh hơn 500 sản phẩm đến từ các hợp tác xã tại TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Đắk Nông, Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội, Thái Nguyên… Những sản phẩm này không chỉ đa dạng mà còn mang đặc trưng vùng miền và có chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, bánh tráng Tây Ninh, cá dứa Cần Giờ, yến sào Khánh Hòa, bơ Đắk Lắk…

Không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm nông sản chất lượng cao vào hệ thống, nhà bán lẻ này còn liên tục tổ chức những chương trình quảng bá nông sản, dành ngân sách để giảm giá giúp NTD dễ dàng tiếp cận. Điển hình là vào đầu tháng 7-2024, 800 điểm bán của Saigon Co.op đã diễn ra chương trình “Đồng hành cùng OCOP - tôn vinh nông sản Việt”. Với chương trình này, ngoài trưng bày, quảng bá, cho NTD dùng thử sản phẩm, Saigon Co.op còn giảm giá đến 35% cho những mặt hàng như: cá dứa 1 nắng Cần Giờ, miến dong Việt Cường, nước mắm Thanh Quốc (Phú Quốc), nước mắm Khải Hoàn, bơ đậu phộng Đạt Butter, trà tim sen Hương Sen Việt, cà phê hòa tan Meet More các loại, nước màu dừa ATK…

Saigon Co.op khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông sản trên cả nước đưa sản phẩm chất lượng, an toàn và giá phù hợp tới NTD.

Tin cùng chuyên mục