Chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10

Đưa nông nghiệp số đến với nông dân Việt

LTS: Trước khi được gọi là “doanh nhân”, họ đã trải qua không ít chông gai trên hành trình khởi nghiệp. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng giới thiệu câu chuyện của 2 doanh nhân trẻ, khởi nghiệp từ nhiều con đường khác nhau nhưng đều đã gặt hái không ít thành công. Với nỗ lực của lớp doanh nhân trẻ có năng lực hy vọng tương lai không xa, chúng ta có thể tự hào về họ, về những thương hiệu Việt đang vươn tầm ra thế giới.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang là một trào lưu mạnh mẽ. Và dù lĩnh vực này vẫn được đánh giá là rất “chua” với nhiều khó khăn và rủi ro, nhưng không thiếu những người trẻ vẫn chọn con đường này và gặt hái thành công.
Đưa nông nghiệp số đến với nông dân Việt ảnh 1 Trần Viết Quân - CEO Công ty cổ phần Ứng dụng di động Xanh
 CEO Trần Viết Quân của Công ty cổ phần Ứng dụng di động Xanh là một trong những bạn trẻ như vậy. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp thông qua nền tảng ứng dụng di động, Trần Viết Quân đang có tham vọng kết nối được người nông dân với cơ quan quản lý nhà nước một cách hiệu quả hơn. Tâm huyết về một nền nông nghiệp thông minh luôn thôi thúc, bùng cháy đối với Trần Viết Quân. 

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM nhưng Trần Viết Quân lại chọn con đường khởi nghiệp bằng việc ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp.

Chia sẻ với chúng tôi, CEO Trần Viết Quân cho biết, cơ duyên đến với công nghệ là khi ra trường anh được đầu quân cho Công ty FPT. Ở đây anh tiếp tục học hỏi và trao dồi kiến thức với các anh chị, chuyên gia trong nghề. Cũng vì ham thích nên tay nghề của anh ngày một nâng cao. 

Hỏi tại sao lại chọn lĩnh vực nông nghiệp, Quân giải thích: Trong một lần đi công tác An Giang, chúng tôi được tiếp xúc với bà con làm nông ở đây, nhận thấy rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, nông dân vẫn là người thiệt thòi nhất trong chuỗi giá trị mà đáng lẽ họ cần được hưởng nhiều hơn. Do vậy, chúng tôi tập trung đưa ra các giải pháp bằng công nghệ để giúp bà con nông dân nhận được các thông tin cần thiết và kết nối với cơ quan nhà nước, từ đó hỗ trợ họ phát triển kinh tế nông hộ. 

Theo CEO Trần Viết Quân, nông nghiệp số sẽ giảm gánh nặng cho nông dân, muốn đưa công nghệ thông tin đến người nông dân thì cách tốt nhất là kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp.

“Chúng tôi phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh An Giang để xây dựng phần mềm này. Ứng dụng cơ bản gồm 2 chức năng chính: Thứ nhất, làm sao để cung cấp được thông tin mà người nông dân cần. Thứ hai, làm sao để giúp người nông dân kết nối với người, tổ chức mà họ cần. Với hệ thống thông tin, thứ nhất chúng tôi cung cấp một hệ thống giá cả thị trường nông sản (thu mua và bán lẻ) trên địa bàn toàn tỉnh được cập nhật hàng ngày. Giá cả này được xây dựng trên hệ thống gồm hàng trăm người báo giá hàng ngày tại hàng ngàn khu vực khác nhau. Giá chúng tôi cung cấp là một kênh tham khảo giá khá chính xác cho nông dân. Thứ hai, chúng tôi cũng cung cấp một hệ thống dữ liệu các vấn đề về cây trồng, vật nuôi. Đây được xem như là kho dữ liệu các câu hỏi về cây trồng, vật nuôi tại tỉnh. Với hệ thống kết nối, chúng tôi tạo ra một kênh kết nối giữa cơ quan nhà nước với người nông dân. Ở An Giang, cần hỗ trợ gì, người nông dân có thể gửi thắc mắc qua ứng dụng và sẽ nhận được phản hồi. Họ cũng có thể phản ánh các vấn đề về phân bón, thuốc trừ sâu nhái, giả trên địa bàn đến cơ quan chức năng một cách nhanh chóng. Ngược lại, khi Sở NN-PTNT có thông báo gì, họ cũng có thể gửi ngược lại cho người nông dân”, anh Trần Viết Quân phân tích.

CEO Trần Viết Quân kể tiếp: Tại An Giang, chúng tôi cập nhật trên 1.200 đầu giá nông sản của 5 lĩnh vực là lúa gạo, thủy sản, gia súc gia cầm, trái cây và rau củ quả của 11 huyện/thị. Hơn 10.000 câu hỏi đã được chúng tôi biên tập, hệ thống hóa để nông dân có thể dễ dàng tiếp cận qua ứng dụng. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm sao có thể lấy được hơn 1.200 loại giá ở hàng trăm xã và phải cập nhật hàng ngày với độ chính xác cao. Chúng tôi đã phải làm việc nhiều tháng để tạo ra giải pháp tối ưu, đồng thời xây dựng một đội ngũ báo giá có độ tin tưởng cao.

Ngoài ra, ở khâu triển khai, phổ biến đến người nông dân cũng có nhiều khó khăn, vì trình độ nhận thức về công nghệ của đa số nông dân vẫn còn hạn chế. Hiện tại chúng tôi tập trung phổ biến cho nhóm các nông dân giỏi tại An Giang. Chúng tôi cũng lên kế hoạch nhiều giai đoạn khác nhau. Ở giai đoạn đầu này, chúng tôi thực hiện việc cung cấp giải pháp về công nghệ thông tin. Ở giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung vào việc phân tích thị trường nông sản. Chúng tôi sẽ dựa trên hệ thống giá cả thu thập được và tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin khác nhau trong và ngoài nước để đưa ra những dự báo, dự đoán về khả năng tăng hay giảm giá của các mặt hàng nông sản, từ đó giúp nông dân có thể chủ động hơn cho kế hoạch mùa vụ hay nuôi trồng.

Và trong kế hoạch, chúng  tôi  sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác hoặc các sở NN-PTNT các tỉnh/thành trong phạm vi cả nước để nâng cấp, mở rộng dự án, tạo ra một sàn giao dịch chung bao gồm giá cả, thị trường đầu ra, quy trình trồng các loại cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tất cả hướng đến một mục đích: giảm chi phí, rủi ro cho người làm nông nghiệp.


UMI và Dự án thời trang Việt cho người Việt

Gặp nữ doanh nhân trẻ Hoàng Thị Đào Tiên vào đúng ngày cô khai trương cửa hàng đầu tiên trong chuỗi cửa hàng UMI - Dự án thời trang Việt cho người Việt, câu chuyện khởi nghiệp của Tiên làm chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. 
Đào Tiên (thứ 2, từ trái qua) hướng dẫn khách chọn sản phẩm tại cửa hàng UMI vừa khai trương ở TPHCM
 Tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM chuyên ngành Điều dưỡng, nhưng cô gái này lại thành công với mô hình kinh doanh hàng thời trang xuất khẩu. 

Xuất phát từ ước mơ rất đơn giản “muốn mặc đồ đẹp” nhưng đồng lương công chức không đủ, Tiên bắt đầu khởi nghiệp với suy nghĩ: vì sao Việt Nam có những công ty chuyên gia công hàng hiệu xuất khẩu mà người Việt lại không có tiền để mặc đẹp? Tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM chuyên ngành Điều dưỡng, nhưng cô gái này lại thành công với mô hình kinh doanh hàng thời trang xuất khẩu. 

Nghĩ là làm, Tiên mày mò tìm hiểu nguồn hàng, tìm hiểu xu hướng thời trang trong nước, vậy là năm 2006, cô gái trẻ chuyển hẳn từ nghề điều dưỡng sang kinh doanh hàng thời trang xuất khẩu. Tiên hồi hộp bắt đầu công việc kinh doanh chỉ với… 16 triệu đồng.

Cô kể, không có tiền thuê cửa hàng nên chỉ tận dụng cơ hội bán hàng trên các trang web - khi ấy bán hàng online qua web chỉ mới bắt đầu ở Việt Nam. Thời đó việc quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng rất dễ dàng, không tốn phí như bây giờ. Hình ảnh chụp bằng điện thoại cũng không nét như bây giờ, nhưng được cái hình ảnh sản phẩm rất thật, không qua chỉnh sửa, nên khách đến rất đông.

Mỗi ngày, nữ điều dưỡng sáng đi làm ở bệnh viện, tối tranh thủ đi giao hàng cho khách  thử. Nỗ lực suốt vài năm, Tiên đã gầy dựng được cửa hàng riêng.

VT Fashion hiện là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng trên Facebook và trong giới trẻ Việt. Năm 2017, cô gái trẻ này lại bắt đầu thực hiện một ước mơ khác, đó là xây dựng một dự án kinh doanh quy mô, dự án thời trang Việt cho người Việt. 

Với kinh nghiệm 10 năm trong ngành hàng thời trang, Tiên bắt đầu đầu tư cho thiết kế. Một thương hiệu mới ra đời và vận hành thử trong cả năm 2017. Tháng 9 vừa qua, Tiên đã mạnh dạn “chào thị trường” cửa hàng thời trang Việt đầu tiên thương hiệu UMI Yellow. Hướng đi chính của UMI là dòng thời trang basic, hàng thiết kế theo size chuẩn quốc tế nhưng giá cả phù hợp túi tiền đại bộ phận người Việt.

“Càng làm lâu trong nghề, mình càng nhận ra rằng các thương hiệu thời trang trên thế giới có những con đường đi tương tự như nhau. Ví dụ như, Gap đi theo phong cách thời trang đơn giản, đánh tới chất lượng nhiều hơn hình thức bên ngoài. Tức là vẫn hợp thời trang nhưng thời trang đó có thể sử dụng được lâu dài. Zara được xem như thời trang mì ăn liền, ra mẫu mới liên tục và các hãng thời trang này đều thu hút một lượng khách rất lớn. Tại Nhật, Uniqlo là hãng thời trang giàu nhất thế giới, với hướng đi riêng bằng cách sản xuất các sản phẩm thời trang đơn giản, thiên về chất liệu. Qua nghiên cứu, ở góc độ cá nhân, Tiên thấy rằng hàng loạt thương hiệu nổi tiếng đình đám của Việt Nam một thời dần… chìm xuồng, thay vì lớn mạnh. Trước đây câu trả lời chưa được giải đáp rõ ràng, nhưng sau này, nhờ kinh nghiệm thực tiễn Tiên đã có đáp án cho câu hỏi này. Ngoài ra, một yếu tố khác khiến thời trang Việt khó chinh phục thế giới, chính là Việt Nam thiếu thợ rập khuôn hàng, form hàng cho ra dáng chuẩn”, nữ doanh nhân trẻ tâm sự. 

Đào Tiên cũng cho biết, cô đã lên kế hoạch để trong 3 - 5 năm tới, UMI Yellow - thương hiệu thời trang của người Việt sẽ mở rộng thành hệ thống chuỗi 20 cửa hàng tại khắp các quận, huyện và tỉnh, thành phía Nam. Ai cũng có thể mặc đồ của UMI Yellow bởi có đủ mẫu mã từ trẻ em đến người lớn, từ đồ mặc nhà đến công sở, đi chơi...  Khách hàng ngày càng đòi hỏi cao, nên nguyên liệu của UMI cũng được chọn lọc kỹ về chất liệu. Cô gái trẻ này còn ấp ủ một ước mơ lớn khác, đó là mang UMI chào hàng làng thời trang thế giới.

Tin cùng chuyên mục