Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; sau 15 ngày TPHCM thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TPHCM về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đã ghi nhận một số kết quả khả quan như số ca mắc mới, số ca tử vong do Covid-19 giảm rõ rệt. Cùng với đó là tỷ lệ bao phủ vaccine tăng cao, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội từng bước hồi phục, đời sống dân sinh trở lại nhộn nhịp... Nhóm PV Báo SGGP đã ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia và người dân, kỳ vọng thành phố sẽ từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
* PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Cần tâm thế mở và chủ động thích ứng
Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ đã khẳng định sự chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Điểm mừng là chính sách phòng chống dịch của chúng ta đã đúc rút từ thực tiễn phòng chống dịch biến chủng Delta và tham chiếu khuyến cáo của các nhà khoa học, chuyên gia, của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để có sự chuyển hướng chiến lược phù hợp trong giai đoạn tới.
Nghị quyết 128 nêu ra những yêu cầu, quy định chung và tạo sự chủ động rất lớn cho các tỉnh, thành trong thực hiện. Vấn đề bây giờ là triển khai thực hiện sao cho đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, tới tận cơ sở trong cả nước. Để làm được như vậy thì trước tiên cần thống nhất trong cách hiểu. Nếu như trước đây, chúng ta cố gắng dập dịch theo mục tiêu “Zero Covid-19” (không Covid-19), thì giờ đây là thích ứng an toàn trong môi trường có SARS-CoV-2.
Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần khi mở cửa trở lại có thể số ca mắc Covoid-19 tăng trong một thời gian nhất định. Khi đó sẽ ứng phó thế nào? Lúc này, các địa phương cần sớm xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình cụ thể, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế. Điều quan trọng là mỗi địa phương cần có tâm thế mở ra một cách chủ động thích ứng an toàn chứ không phải sợ hãi, dẫn đến bị động và đóng cửa, đặt ra các rào cản, dẫn tới “ngăn sông cấm chợ”.
* TS HUỲNH THANH ĐIỀN, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Cần tránh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu
Điểm tích cực của Nghị quyếtt 128 là đòi hỏi các địa phương phải phát huy tính chủ động, bám sát thực tế để thích ứng trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi địa phương có quy định, cách làm khác nhau gây cản trở lưu thông nguồn lực. Điều đó cũng nhằm tránh tình trạng mệt mỏi của người dân, doanh nghiệp trước quá nhiều văn bản kiểm soát dịch không thống nhất, thiếu đồng bộ như thời gian qua.
Do đó, một điểm cần hết sức lưu ý các hoạt động sẽ được tổ chức khác nhau theo 4 cấp độ tương ứng với vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ. Khi triển khai, có khả năng sẽ tái lập chốt kiểm soát giữa các vùng hoặc bằng biện pháp nào khác phân biệt ranh giới các vùng.
Nếu như vậy, tình trạng gây cản trở lưu thông nguồn lực sẽ tái diễn. Điều này cần hết sức tránh. Chúng ta cần nhất quán phương châm “thích ứng an toàn với Covid-19” theo hướng áp dụng 5K, tăng cường biện pháp y tế cộng đồng giúp người dân tự bảo vệ mình, bãi bỏ tất cả chốt kiểm soát. Đồng thời, phát triển lực lượng y tế lưu động với mật độ phù hợp từng vùng có cấp độ ca nhiễm khác nhau.
* PGS.TS VÕ CÔNG QUANG, Phó Bí thư Chi bộ KP 5, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM: Khả năng hồi phục việc làm và thu nhập của người dân đang rõ dần
Qua nửa tháng thực hiện Chỉ thị 18, tôi quan sát thấy rằng các chỉ tiêu theo dõi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến tích cực, số ca mắc mới trung bình hàng ngày giảm 5 lần so với lúc đỉnh dịch của thành phố. Số ca tử vong hàng ngày nay đã giảm dưới 2 con số. Điều rất vui mừng là không còn hiện tượng quá tải tại các bệnh viện điều trị Covid-19. Tôi nghĩ rằng những điều này phản ánh tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát tốt.
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế của TPHCM và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, nơi đây vẫn là khu vực đầy tiềm năng, lợi thế để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong tháng 10 này, nhờ sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành chức năng, các doanh nghiệp đã từng bước hoạt động trở lại để phục hồi sản xuất, kinh doanh, cuộc sống ở các quận, huyện đang dần trở lại như khi chưa có dịch.
Tôi thấy rất mừng là công tác tiêm vaccine cho người dân ở khu dân cư đang được đẩy mạnh; các biện pháp phòng chống dịch an toàn đã linh hoạt hơn và triển khai ở nhiều nơi. Khó khăn, nguy hiểm chưa qua nhưng những tia sáng lạc quan, hy vọng về khả năng hồi phục việc làm và thu nhập của các tầng lớp nhân dân đang rõ dần.
* Bà NGUYỄN THỊ ÁNH DUNG, Tổ trưởng Tổ dân phố 86, KP 5, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM: Tự tin sống chung với dịch nhưng không chủ quan
Tính đến nay, mọi mặt hoạt động ở địa phương đã trở lại bình thường với khí thế rất khẩn trương. Bà con ở KP 5 chúng tôi khá phấn khởi vì cơ bản đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. Những người gặp khó khăn trong đại dịch đã được hỗ trợ theo từng đợt.
Mặc dù vẫn còn bộn bề gian khó trước mắt, nhưng qua nắm bắt tình hình, người dân trong KP 5 nói riêng và phường 25, quận Bình Thạnh nói chung đều tự tin đi làm việc, sinh hoạt mỗi ngày. Lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả, thịt, cá… không còn khan hiếm. Cả hệ thống chính trị, từ phường đến KP, tổ dân phố không còn cơ cực, đi chợ giúp… Bà con gặp nhau vui cười, chào hỏi qua ánh mắt lạc quan.
Tuy vậy, chúng tôi luôn động viên, nhắc nhở bà con luôn chấp hành nghiêm túc 5K, đeo khẩu trang khi ra ngoài và sát khuẩn thường xuyên để phòng chống dịch bệnh. Chúng ta luôn ý thức không thể xử lý triệt để, không thể “Zero Covid” mà là sống chung, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng không được lơ là, mất cảnh giác.
* Ông NGUYỄN HỮU THẮNG, Giám đốc Công ty Trang trí nội thất Thái Nam: Đang bắt nhịp lại hoạt động kinh doanh
Sau 2 tuần nới lỏng giãn cách, mở cửa lại nền kinh tế, thành phố đã lấy lại sự năng động, ồn ào vốn có của mình. Nhiều hàng quán, cửa hiệu và nhà máy, xí nghiệp đang dần mở cửa trở lại. Trong từng khu phố, trên mỗi con đường, sức sống mới của người dân đang dần hồi sinh, đi vào ổn định trong điều kiện mới. Doanh nghiệp chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch nhưng nay đang xốc lại tinh thần, bắt nhịp lại hoạt động kinh doanh.
Để người dân, doanh nghiệp sớm tạo đà mở cửa sản xuất, kinh doanh và nỗ lực vươn lên thì sự vận động của người dân, doanh nhân vẫn chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền với những chính sách, biện pháp cụ thể. Yêu cầu thiết thực nhất đối với người dân, doanh nhân bây giờ không phải là gói an sinh nữa mà Nhà nước nên có chính sách miễn giảm thuế, phí cho sản xuất kinh doanh. Các thủ tục hành chính phải cải thiện theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện. Bên cạnh gói chính sách hỗ trợ trước mắt, thành phố cần có chủ trương đầu tư phát triển lâu dài về kinh tế, an sinh và phúc lợi xã hội. Đó là nhà ở cho người dân, công nhân lao động và hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở...