Trong khi đó, số lượng NV đăng ký xét tuyển học bạ THPT và chỉ tiêu cho xét học bạ năm 2020 tăng đột biến. Vậy, việc đua nhau xét tuyển bằng điểm học bạ THPT, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng trong suốt quá trình đào tạo của các trường?
Việc xét tuyển bằng điểm học bạ THPT lâu nay chỉ là sân chơi của các trường ĐH tư, các ĐH địa phương, nhưng năm 2020 rất nhiều trường công lập lớn cũng tham gia và dành 30%-50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.
Lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh, năm 2020, Trường ĐH Cần Thơ chính thức áp dụng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Trường tuyển 8.900 chỉ tiêu, trong đó xét tuyển bằng điểm học bạ tới 40% chỉ tiêu, với điểm trung bình 3 môn là 19,5 điểm trở lên, cho tất cả các ngành đào tạo (trừ các ngành đào tạo giáo viên) với 40% chỉ tiêu.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM dành 20%-30% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu năm 2020 của trường là 5.800) xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn bằng điểm học bạ THPT. Trong khi đó, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 từ 20%-30% chỉ tiêu theo ngành. Còn lại dành cho các phương thức xét tuyển khác.
Năm 2020, đề án ban đầu Trường ĐH Ngân hàng TPHCM tuyển 3.250 chỉ tiêu (điểm thi THPT quốc gia 85% chỉ tiêu, 15% xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển). Tuy nhiên, sau khi kỳ thi THPT quốc gia chuyển thành kỳ thi tốt nghiệp THPT thì hội đồng tuyển sinh trường điều chỉnh đề án và lần đầu tiên quyết định áp dụng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT của 3 năm lớp 10, 11, 12. Chỉ tiêu cho phương thức này cũng tăng lên và phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống.
Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM tuyển 4.500 chỉ tiêu và phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ tối đa lên đến 60% tổng chỉ tiêu cho tất cả các ngành đào tạo (hệ đại trà, hệ chất lượng cao, chương trình đặc thù). Trong khi đó, hai phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM tối đa 15% tổng chỉ tiêu và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tối đa 25% chỉ tiêu.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tuyển 3.680 chỉ tiêu và có 4 phương thức tuyển sinh như năm 2019. Tuy nhiên, đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn chiếm đến 40% tổng chỉ tiêu (những năm trước chỉ 15%-20% chỉ tiêu). Điều kiện xét tuyển là thí sinh phải tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình cả năm của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM năm 2020 dành đến 50% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm học bạ THPT…
Phải tăng cường kiểm soát chất lượng
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, năm 2020 có nhiều biến động trong phương thức xét tuyển. Số lượng thí sinh dự thi tăng nhưng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ bằng điểm thi giảm, số NV đăng ký cũng giảm gần cả triệu NV. Nguyên nhân là do điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH nghi ngại về kết quả nên giảm chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Ngược lại, các trường tăng đáng kể chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Tự chủ tuyển sinh được quy định bởi Luật Giáo dục đại học (các trường tự chủ trong tuyển sinh: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển). Tuy nhiên, tự chủ phải kèm theo trách nhiệm giải trình và phải có kiểm soát bằng các quy định của pháp luật.
Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM cho rằng, tình hình tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 có nhiều biến động là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hơn nữa, theo lộ trình mà Bộ GD-ĐT đã cam kết thì năm 2021 việc tuyển sinh sẽ do các trường tự chủ hoàn toàn (bằng các đề án tuyển sinh). Như vậy, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm soát chỉ tiêu, năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo bằng các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ GD-ĐT ban hành. Đề án các trường công bố Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành hậu kiểm việc xác định chỉ tiêu (tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích sàn xây dựng/sinh viên), chuẩn đầu ra ở từng ngành, chương trình đào tạo. Trường nào xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo (vượt quá 5% chỉ tiêu) sẽ xử lý. Việc xử lý các trường khai khống các điều kiện xác định năng lực đào tạo (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất…) phải công khai và xử lý thật mạnh thì mới kiểm soát được tuyển vượt ở phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: “Năm nay thi tốt nghiệp đã được Bộ GD-ĐT quyết định. Các trường ĐH xét học bạ để tuyển sinh là xu hướng và thực tế của ĐH nước ta, cũng như các nước tiên tiến. Bây giờ đi học ĐH rất dễ dàng, chỉ có các trường y là còn khó khăn thôi. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng không thể nói suông mà phải có minh chứng, phải có kiểm định và công bố rõ ràng, minh bạch với xã hội”.
Hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TPHCM, cho rằng, nhiều thí sinh điểm học bạ từ 25-27 điểm nhưng điểm thi chỉ có 17-18 điểm. Do đó, việc nhiều trường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ cũng phải xem xét và hậu kiểm thật chặt để tránh trường hợp lạm dụng, tuyển vượt ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào và chất lượng quá trình đào tạo.
Thống kê từ Bộ GD-ĐT, có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (năm 2019 có hơn 886.000 thí sinh). Trong đó, số thí sinh đăng ký thi và xét tuyển ĐH, CĐ là 643.122, chiếm 71,45% giảm khoảng 10.000 thí sinh (năm 2019 có đến 653.000 thí sinh). Số thí sinh tự do là 51.712, chiếm 5,74%. Số thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên chiếm 32,9% (năm 2019 34,07%), bài thi khoa học xã hội 55,38% (năm 2019 chiếm 52,83%). Về đăng ký xét tuyển ĐH, cả nước có 2.490.171 NV, trong khi năm 2019 hơn 2.575.000 NV. |