Cam kết giảm cân nhanh
Chị Trần Thị Ngọc Hương (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, đã giảm 16kg trong 6 tháng nhờ chế độ ăn kiêng hoàn toàn với tinh bột và đường. Nhưng chỉ trong 1 tháng tết vừa qua, được gia đình nhiệt tình bồi bổ và tâm trạng không tốt, chị mất động lực giảm cân và bắt đầu ăn rất nhiều. “Tết xong, em bắt đầu nhịn ăn hoàn toàn để tiêu 9kg tăng lên trong 2 tháng, nhưng nhịn 1 ngày thì hôm sau lại theo thói quen lao vào ăn vô độ”, chị Hương giãi bày. Không thể ăn kiêng, muốn giảm cân nhanh chóng, chị Hương tìm mua gói “kẹo dứa giảm cân” trên mạng. Sử dụng 3 ngày (mỗi ngày 1 viên), cơ thể chị Hương luôn trong tình trạng choáng váng, buồn nôn, mệt mỏi không làm được gì, và tới ngày thứ 5 thì chị ngất xỉu vì kiệt sức.
Các chuyên gia thực phẩm nhận định, đa số các sản phẩm giảm cân rất đa dạng nhưng thường là thực phẩm bổ trợ, tác dụng giảm cân chưa được nghiên cứu, chứng minh rõ ràng hoặc nếu có nghiên cứu thì thường là các nghiên cứu nhỏ lẻ, không mang tính khái quát. Vì vậy, hiệu quả rất khác nhau tùy cơ địa mỗi người và tác dụng tốt hay không còn tùy thuộc vào độ... cả tin của người dùng.
Nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng
Theo các chuyên gia y tế, giảm cân cơ bản phụ thuộc vào việc tạo ra cân bằng lượng calo xuất - nhập, trong khi thuốc giảm cân hoạt động theo cơ chế giúp người dùng ít nhập calo hơn, hấp thụ calo ít hơn, tiêu thụ nhiều calo hơn. Theo đó, thuốc có thể làm đầy đường tiêu hóa bằng cách hút nước, trương phình chiếm chỗ các khoang trống trong ống tiêu hóa và dạ dày, giúp người dùng có cảm giác không cảm thấy đói, nên ít nhập calo hơn. Thuốc có thể làm giảm sự hấp thu các chất dinh dưỡng. Các chất này tác động lên hệ thần kinh trung ương gây khó ngủ, chán ăn, ăn không ngon miệng. Ngoài ra, một số loại thuốc giảm cân thường chứa hormone tuyến giáp, giúp gia tăng chuyển hóa chất béo, vì vậy, người dùng tiêu thụ nhiều calo hơn.
Th.S-BS Dương Quốc Phong, giảng viên Khoa Y, ĐHQG TPHCM, cảnh báo, thuốc giảm cân nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng thời gian và phù hợp cơ chế vẫn mang đến hiệu quả và an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, khi dùng phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sau khi đã đánh giá bệnh nền và các nguy cơ bệnh. Tùy theo cơ chế, thuốc giảm cân sẽ có một số tác dụng phụ nguy hiểm khác nhau. Thuốc làm đầy đường ống tiêu hóa có nguy cơ đầy hơi, chướng bụng, tăng nguy cơ tắc ruột với người có bệnh lý đại tràng dài.
Thuốc giảm cảm giác thèm ăn tác động trực tiếp lên hệ thần kinh và thường có chất chống trầm cảm, lo âu hoặc chất kích thích nên dùng lâu có nguy cơ gây nghiện thuốc, khi ngưng sẽ có cảm giác chán nản, gia tăng nguy cơ tự tử. Thuốc tăng cường chuyển hóa các chất thường chứa hormone tuyến giáp nên gia tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa, vì vậy cần lưu ý ở người có bệnh tim mạch, đặc biệt lưu ý với các triệu chứng: đánh trống ngực, run tay, ngất không rõ nguyên nhân.
Th.S-BS Dương Quốc Phong khuyến cáo, thay vì dùng các loại chế phẩm giảm cân gây nguy hiểm, có thể áp dụng những biện pháp an toàn, hiệu quả như dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày. Trong bữa ăn hàng ngày, nên tránh các loại thực phẩm chứa năng lượng quá nhiều (bánh rán, thịt nhiều mỡ, đồ chiên xào…) và các thực phẩm mang năng lượng rỗng (bánh kẹo, nước có gas, bia…); tăng sử dụng các sản phẩm gây no nhưng không mang năng lượng (trái cây, rau xanh…). Riêng chế độ ăn giảm cân (low-cab, keto…) đang được lan truyền trên mạng, là các chế độ giảm cân đặc biệt do cắt giảm phần lớn các thành phần tạo ra năng lượng cho cơ thể (đạm, đường, béo). Khi có nhu cầu giảm cân, cần tới các trung tâm tư vấn dinh dưỡng để được khám và tư vấn giảm cân thích hợp, tùy theo sức khỏe, tập luyện, chế độ sinh hoạt và công việc.