Ngày 15-11, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết, vào lúc 19 giờ 20 phút ngày 14-11, Trực thăng EC - 225 số hiệu VN-8620 cùng tổ bay của Công ty Trực thăng miền Nam, Binh đoàn 18 do Thiếu tá Đỗ Hoàng Hải làm cơ trưởng; cùng tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 do Trung úy - bác sĩ Nguyễn Thế Nhã, thành viên tổ cấp cứu đường không của bệnh viện đã bay ra đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đưa ngư dân bị bệnh nặng về đất liền điều trị.
Bệnh nhân là anh H.N., (47 tuổi, ngụ Quảng Ngãi, ngư dân trên tàu cá QNg 95454) bị uốn ván vùng cẳng chân và được cấp cứu ở bệnh xá đảo Song Tử Tây. Bệnh nhân được chẩn đoán là uốn ván ngoại khoa mức độ nặng đường vào từ vết thương mặt trước cẳng chân trái.
Sau khi hội chẩn với đất liền, bệnh nhân đã được các bác sĩ ở đảo Song Tử Tây xử lý vết thương và sử dụng các thuốc theo phác đồ điều trị. Sau đó, bệnh nhân được vận chuyển về đất liền bằng máy bay trực thăng.
Thực hiện chuyến bay trong điều kiện đêm tối, thời tiết không thuận lợi và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên nhờ sự chuẩn bị chu đáo, công tác tổ chức chỉ huy bay chặt chẽ, tổ bay và tổ cấp cứu đường không đã xử lý tốt các tình huống trên không, trên biển để chuyến bay cấp cứu thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Nhã, uốn ván là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển. Bởi vì khi bị uốn ván, bệnh nhân sẽ có những cơn co cứng cơ, tăng trương lực cơ trong đó có cả những cơ hô hấp kèm theo là tình trạng tăng tiết đờm dãi, dẫn đến ùn tắc đường thở khiến cho bệnh nhân bị suy hô hấp đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
"Do đó ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, thì trong suốt quá trình bay, chúng tôi ngoài theo dõi các dấu hiệu sinh tồn ra thì còn phải duy trì các thuốc kiểm soát cơn co cứng cơ theo phác đồ và liên tục hút đờm dãi cho bệnh nhân bằng máy hút đạp chân dã chiến. Hiện tại bệnh nhân đã về đến Bệnh viện Quân y 175, tỉnh táo, tiếp xúc được, các dấu hiệu sinh tồn đảm bảo", bác sĩ Nguyễn Thế Nhã cho biết.