Hỗ trợ thiết thực cho thanh niên
Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Anh (Trường Đại học Văn Hiến) đang hoàn thiện sản phẩm, từ đề tài nghiên cứu quy trình triglixerit chứa gốc axit béo không no liên hợp trong dầu hạt và định hướng ứng dụng trong sản xuất sữa thực vật. Đề tài nghiên cứu đã nhận được sự tiếp sức từ chương trình Vườn ươm sáng tạo Khoa học và Công nghệ Trẻ do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (thuộc Thành đoàn TPHCM) tổ chức và đã được công bố trên tạp chí Turkish Journal of Chemistry.
Cũng từ vườn ươm này, TS Trần Thị Tường Vi (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) được cấp kinh phí thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học, sau đó nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học ACS Applied Nano Materials với kết quả xuất sắc. TS Tường Vi chia sẻ, trong thời gian du học TS ở nước ngoài, chị ấp ủ nhiều đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực hóa ứng dụng nhưng không thực hiện được, do thiếu kinh phí. Về nước, biết được thông tin về vườn ươm, chị nộp đơn ứng tuyển. Hồ sơ được duyệt, chị được Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ cấp 100 triệu đồng thực hiện đề tài.
“Không chỉ hỗ trợ kinh phí, vườn ươm còn giúp tôi có thêm động lực thực hiện các đề tài, ý tưởng đã ấp ủ. Từ các nghiên cứu này, tôi củng cố thêm cơ sở và ứng dụng vào công tác giảng dạy”, TS Tường Vi nói.
Tính đến nay, chương trình Vườn ươm sáng tạo Khoa học và Công nghệ Trẻ đã “ươm mầm” cho hàng trăm nghiên cứu khoa học và được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Riêng năm, năm 2022, vườn ươm tiếp nhận hơn 141 hồ sơ đăng ký và chọn lọc 51 đề tài có ý tưởng tốt nhất để cấp kinh phí nghiên cứu. Trong số này có 38 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Bên cạnh vườn ươm, thời gian qua, Thành đoàn TPHCM cũng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên như Café khoa học, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, chương trình Startup Wheell… mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, qua 10 năm tổ chức, Startup Wheel (do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Thành đoàn TPHCM tổ chức) đã thu hút gần 11.600 dự án tham gia cùng sự đồng hành của hơn 170 doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Startup Wheel được đánh giá là một trong những cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, là nơi hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của các bạn trẻ.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, cho biết, mỗi năm có hơn 2.000 hồ sơ tham gia chương trình. Trung tâm chọn những dự án khả thi để giới thiệu tại sự kiện Startup Day. Từ cầu nối này, những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của các nhà khởi nghiệp trẻ có cơ hội phát triển ra thị trường, thông qua sự tuyển chọn, đầu tư từ các quỹ đầu tư, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Chưa đáp ứng nhu cầu
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ Đoàn Kim Thành, hiện nay nhu cầu nghiên cứu khoa học của thanh niên rất lớn nhưng kinh phí hạn hẹp. Nếu ý tưởng khả thi được Vườn ươm sáng tạo Khoa học và Công nghệ Trẻ chọn, tác giả được cấp từ 80-100 triệu đồng nghiên cứu. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ để các đề tài nghiên cứu đạt hiệu quả. Tuy nhiên, anh Đoàn Kim Thành nhìn nhận, vốn hỗ trợ của vườn ươm chưa đáp ứng được nhu cầu sáng tạo của thanh niên thành phố.
Cụ thể, mỗi năm vườn ươm có khoảng 5 tỷ đồng, chỉ hỗ trợ cho khoảng 45 công trình nghiên cứu khoa học, nên việc lựa chọn các đề tài hỗ trợ khá khắt khe. Do đó, các bạn sinh viên yêu thích nghiên cứu khó cạnh tranh với các nhà khoa học có trình độ để nhận chính sách hỗ trợ từ vườn ươm. Để khắc phục bất cập này, cần xây dựng quy chế và bố trí kinh phí riêng cho sinh viên tại vườn ươm.
Anh Đoàn Kim Thành cũng phân tích, hiện nay, có các mô hình hỗ trợ thanh niên nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp nhưng thiếu chính sách hỗ trợ phát triển ý tưởng thành sản phẩm cụ thể. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không mặn mà đầu tư trong giai đoạn này vì có nhiều rủi ro. Điều này cũng gây ra hạn chế trong việc phát triển ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm cụ thể.
TS Nguyễn Văn Anh khẳng định, nhà nghiên cứu nào cũng muốn đưa ý tưởng của mình thành sản phẩm ứng dụng được vào thực tế. Tuy nhiên, chỉ đến khi ý tưởng biến thành sản phẩm, tham dự các cuộc thi khởi nghiệp thì mới có thể tiếp cận được với doanh nghiệp. “Trong khi, ở giai đoạn phát triển sản phẩm, nếu có sự đồng hành sớm của doanh nghiệp để định hướng các tiêu chí cho phù hợp, sẽ dễ có được các sản phẩm phù hợp với yêu cầu thực tiễn hơn”, TS Nguyễn Văn Anh phân tích.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Anh, nhiều trường đại học và Thành đoàn TPHCM đã quan tâm nhiều đến khía cạnh hỗ trợ thanh niên phát triển các sản phẩm từ đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên các chính sách hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do đó, Chính phủ, TPHCM cần có chính sách hữu hiệu để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên để biến nhiều hơn các ý tưởng, nghiên cứu thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Anh NGÔ MINH HẢI Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM: ần thêm cơ chế phát huy sự sáng tạo
Thực tế cho thấy, nếu các cuộc thi năm trước có nhiều đề tài sáng kiến, sáng tạo được ứng dụng thì năm sau sẽ có nhiều ý tưởng, đề tài sáng tạo tham gia. Cho nên, để thu hút được sự sáng tạo của người trẻ, cần có giải pháp đưa các ý tưởng, đề tài sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, cần có cơ chế và ngân sách để phát huy sự sáng tạo; hỗ trợ người trẻ biến ý tưởng, nghiên cứu thành sản phẩm thương mại hóa. Cần có kênh tiếp nhận tất cả ý tưởng sáng tạo của người trẻ để tìm kiếm, khích lệ những cái mới… Đó cũng là cách khuyến khích, phát huy và thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.